Những năm gần đây trong Báo cáo tự do tôn giáo hằng năm của Mỹ liên tục đề cập đến Việt Nam với những thông tin sai lệch, vu cáo về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải nhiều lần lên tiếng phản đối những cáo buộc vô căn cứ, những thông tin sai lệch trên. Điển hình là việc dựa trên thông tin sai lệch, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 21-6-2019 đã đánh giá thiếu khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và tại các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị cấp bộ trưởng về thúc đẩy tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tại Washington từ ngày 16 đến 17-7-2019. Báo cáo tự do tôn giáo 2020 của Mỹ tiếp tục đưa những thông tin thiếu khách quan sai lệch vu cáo Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo, tín ngưỡng, bắt bớ tín đồ theo đạo Cao Đài…, một số tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam đã được mời tham dự, tạo cơ hội để bịa đặt, vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo.
Những đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Bởi, theo Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo; đến năm 2018, 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất; 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng; trong 5 năm có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ.
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK, 500 năm Cải chánh đạo Tin lành,... Điều đáng nói là, tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung...
Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động đã xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Cùng với phát triển về tổ chức, đăng ký hoạt động cho các tôn giáo đủ điều kiện, số lượng tín đồ và các hoạt động tôn giáo cũng không ngừng gia tăng. Tính đến tháng 9-2019, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Việc ra đời các tổ chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, khẳng định Việt Nam không phân biệt giữa người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không; không phân biệt hay kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào dù nội sinh hay được truyền từ nước ngoài, dù là tôn giáo đã ổn định lâu dài hay mới được công nhận.
Các thế lực thù địch, với luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, cho rằng, các đánh giá của mình là đúng thì hãy tìm hiểu, tự trả lời: Tại sao các năm qua ở Việt Nam, nhiều nhà thờ Công giáo được tu sửa, xây mới? Tại sao Youtube có rất nhiều video-clip tường thuật các thánh lễ tổ chức trang trọng, đông vui ở các nhà thờ từ Nam ra Bắc?Tại sao hàng triệu công dân theo Công giáo vẫn dự lễ thứ Bảy, Chủ Nhật bình thường? Tại sao các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức tại Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị),... lại luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ từ phía chính quyền? Tại sao trong Lễ mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tổ chức ở Giáo xứ Thánh Đa Minh - Ba Chuông (TP Hồ Chí Minh), Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã nhấn mạnh: Sau 50 năm, số tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tăng gấp ba lần, đứng thứ hai trong dòng Đa Minh thế giới, hoạt động tại 17 Giáo phận ở Việt Nam và tám nước khác? Tại sao linh mục Lê Quốc Thăng lại có thể từ Việt Nam tới Australia (Ô-xtrây-li-a), Mỹ,... để tự do phát ngôn quan điểm của mình về tự do tôn giáo ở Việt Nam?
Đặc biệt, thực tế hàng chục triệu tín đồ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hàng triệu tín đồ nhiều tôn giáo khác vẫn sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển đất nước; cũng như việc LHQ chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ trong các năm 2008, 2014, 2019... bị cố tình bỏ qua, không đề cập tới cũng đã phần nào cho thấy sự “khách quan” của các thế lực thù địch.
Nhìn vào thực tế các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy rất rõ ràng chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo hay vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đó là chính sách rất đúng đắn, rõ ràng và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.