Chưa kịp lấy lại nhịp sống bình thường sau kì nghỉ tết Nhâm Dần, chúng ta đã phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Mỗi ngày, tỉ lệ ca lẫy nhiễm mới với số F0 trong cộng đồng tăng cao đến chóng mặt.
Ở thời điểm hiện tại, thế giới đã có hàng chục triệu ca nhiễm, hơn 5 triệu người tử vong, hơn 5 triệu đứa trẻ mồ côi hoặc thiếu người chăm sóc… Dịch bệnh đang được nhắc đến nhiều hơn mỗi giờ, mỗi ngày, ở khắp mọi nơi và bất cứ nơi đâu. Covid-19 đã, đang là thảm họa toàn cầu.
Covid-19 đã mang đến sự bất an lớn về sức khỏe, sự xáo trộn ghê gớm cuộc sống của mỗi gia đình, sự thay đổi chóng vánh về công việc và kế mưu sinh. Có những gia đình mới hôm nay còn hạnh phúc đủ đầy, mà mai kia đã mãi mãi chẳng còn được thấy nhau; có những người phút chốc mất đi kế sinh nhai, có những gia đình thoáng chốc đã mất đi những điều quý giá nhất… Biến thể của SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, tác động sâu sắc hơn đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Có người ví, đợt bùng phát dịch bệnh sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 5. Cứ tạm cho là vậy, chỉ có điều, triệu chứng, mức độ mà mỗi bệnh nhân mắc phải, không nặng nề như các đợt dịch bệnh lần trước. Đó là kết quả của việc đã được tiêm phòng vaccine. Nhưng, người ta lại nói nhiều hơn đến những biểu hiện, triệu chứng khó lường trong giai đoạn “hậu Covid-19”.
Giữa “bão dịch”, chúng ta đã mơ nhiều hơn đến một cuộc sống an toàn, ổn định, hạnh phúc. Ở đó, người người được tự do đi lại, tự do vui chơi, tự do ăn uống, tự do làm việc… mà không cần đến bất cứ biện pháp phòng dịch nào. Đến đây, tôi chợt nhận ra rằng, sức khỏe chính là nền tảng của mọi ước mơ. Trong cơn “bão dịch”, vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn một nơi bình yên để sống, hít thở đã là hạnh phúc lắm thay!
Ở thời điểm hiện tại, khi mà cả thế giới đã xác định “sống chung” cùng dịch bệnh Covid-19, thì chúng ta cũng đừng mong “tránh dịch”. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thích ứng linh hoạt để vẫn bình yên giữa “bão dịch”. Việc thích ứng ấy, với mỗi người, mỗi hoàn cảnh cụ thể sẽ là sự thích ứng khác nhau nhưng có một mẫu số chung là không hề dễ dàng để thực hiện. Bởi sự thích ứng ấy, sẽ khiến bao người từ bỏ những thói quen, sở thích… để tạo lập một phương thức sống mới hoàn toàn khác.
Nhiều người đã nhắc đến việc tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, lối sống, tác phong sinh hoạt… như là một cách “tránh dịch” hiệu quả để có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Thực ra, từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã có hẳn một Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Quy định ấy, ngay lập tức đã được cả xã hội ủng hộ, và cũng chính quy định ấy, là khởi nguồn cho việc “vực dậy” nền kinh tế ốm yếu vì dịch bệnh; “nhen” lên niềm tin, hi vọng của bao người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn, dù phải “sống chung” với dịch Covid-19.
Và nay, làm việc để thích ứng, “sống chung” với Covid-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội xác định là chiến lược cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt... để tồn tại.
Nhiều người cũng đã nhận ra rằng, những khuyến cáo của Bộ Y tế về việc thực hiện tốt 5K cùng với tiêm phòng vaccine đầy đủ, chính là một trong những bước để bảo đảm an toàn giữa bão dịch. Hơn hết, mỗi người cũng cần phải có lối sống lành mạnh, ăn uống đủ dinh dưỡng và đủ bữa… để đảm bảo đủ sức khỏe vượt “bão dịch”.
Và nhiều người, giữa những bộn bề lo toan vì dịch dã, giữa cuộc sống đời thường với bao tất bật, vội vã đã cảm nhận rằng, dịch đến là tai họa, nhưng cũng là sự thức tỉnh để mỗi chúng ta nhận ra đâu mới là giá trị thực của cuộc sống này.
Dịch đến còn là dịp để bản thân học cách thích nghi, đổi thay và hài lòng với những gì mình đang có. Nói cách khác, đây là một giai đoạn tuy khó khăn, nhưng ở đó mỗi người có thể tích lũy được bản lĩnh, sự lạc quan cho chính mình, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực đến những người thân yêu.
Giữa những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng, tôi đã bao lần đặt câu hỏi: Hạnh phúc là gì? Ở thời điểm hiện tại, có được sự bình an giữa “bão dịch” là hạnh phúc tột cùng. Niềm hạnh phúc ấy sẽ nhân thêm gấp bội khi quanh ta, những người thân yêu vẫn được khỏe mạnh dù dịch dã giăng giăng tứ bề.
Và, cũng giữa cơn “bão dịch”, nhiều người dường như đang “sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn”. Chẳng cần nhiều vội vã, tất bật; chỉ cần mỗi sớm mai thức giấc, bản thân và gia đình vẫn bình an thì còn gì hơn thế.
“Sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn” đang là thông điệp ý nghĩa nhất trong giai đoạn khó khăn này. Chỉ khi nào chúng ta sống chậm lại, thì những sân, si của cuộc sống đời thường mới không có cơ hội phát triển. Sống chậm lại cũng sẽ khiến mỗi người nhận rõ đâu là chân, thiện, mĩ để yêu thương, trách nhiệm và nghĩa vụ sẽ đong đầy nhiều hơn.
Đến đây, hẳn nhiều người sẽ có chung cảm nhận: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng cần cố gắng giữ cho mình nguồn năng lượng tích cực. Đừng để những bất ổn, lo lắng trong tâm trí bạn trở thành gánh nặng cho bản thân và mọi người xung quanh. Thật ra, những ngày tươi đẹp giúp ta hiểu hơn giá trị của hạnh phúc; những ngày khó khăn lại cho ta biết thích nghi với những gì đang có và chính những ngày dịch dã phức tạp này lại dạy chúng ta luôn phải sống lạc quan.
Bình yên giữa “bão dịch” đang và sẽ là đích đến, niềm mong mỏi của biết bao người trên cõi đời này.