Những cá nhân bị xử phạt hành chính gồm: bà Nguyễn Thị Hiển (48 tuổi), Trương Hương (59 tuổi), Nguyễn Thị Hàng (46 tuổi, cùng ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định), Lê Thị Sáng (66 tuổi, TT. Cát Tiến, H.Phù Cát), Đặng Thị Nữ (37 tuổi, xã Cát Hanh, H.Phù Cát). 5 người này là chủ tàu cá (đã giao tàu cho người khác làm thuyền trưởng, máy trưởng) có hành vi đánh bắt thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép. Hiện tàu cá đã bị cơ quan chức năng nước ngoài tạm giữ. UBND tỉnh Bình Định cũng buộc 5 người này phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân (lao động trên tàu cá) bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài bị thu hồi giấy phép khai thác thủy sản. Lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ cũng bị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Được biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Định có 8 tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, làm ảnh hưởng lớn đến công tác gỡ thẻ vàng của EC (Ủy ban châu Âu). Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng liên quan khẩn trương điều tra, xử lý triệt để các trường hợp khai thác bất hợp pháp ở lãnh hải nước ngoài từ năm 2023 đến nay. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp, vi phạm lãnh hải nước ngoài.