Sự nghi ngờ này không phải là không có cơ sở. Bởi, thực trạng đấu thầu thuốc mỗi nơi mỗi giá. Mới đây, tại Hội thảo về thông tư hướng dẫn quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng, cùng một loại vật tư y tế nhưng giá chênh nhau quá nhiều. Trong năm 2017, Quỹ BHYT thanh toán gần 900 tỷ đồng đối với loại vật tư thủy tinh thể nhân tạo, giá của vật tư này dao động từ 200 nghìn đồng đến 28 triệu đồng/cái. Cùng là vật tư stent mạch vành của Đức, nhưng ở Bệnh viện Thanh Hóa có giá hơn 58 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai là 38,5 triệu đồng/cái, ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang thì chỉ 29 triệu đồng/cái…
Mặc dù giá cả chênh lệch nhau rất lớn nhưng trên thực tế chất lượng chưa đi liền với điều này. Nhất là ở các địa phương vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn khá mơ hồ về các loại thuốc nhập khẩu cũng như chất lượng của nó.
Việc các cơ quan hữu quan như Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiệp hội, hội và các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh và phân phối trong lĩnh vực Dược vừa ngồi lại với nhau bàn về Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập vừa qua là hết sức cần thiết.
Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng bày tỏ mong muốn mục tiêu của việc sửa đổi Thông tư lần này là Thuốc đã được đấu thầu đưa vào bệnh viện thì phải là thuốc tốt. Các cơ sở y tế cần đặt ưu tiên trong mọi trường hợp phải sử dụng nhóm thuốc cao nhất và chỉ khi nào nhóm thuốc cao không có thì mới sử dụng nhóm thuốc thấp hơn. Điều này nhằm để đảm bảo nguồn cung ứng chất lượng thuốc tốt nhất trong điều trị khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Việc đấu thầu cũng hướng tới sự minh bạch, công khai đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thông tư này ra đời sẽ là một việc làm rất đáng hoan nghênh của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, người dân vẫn đang đón chờ một tín hiệu tốt đẹp thực sự trong thực tế chứ không chỉ làm theo phong trào “đầu voi đuôi chuột” .
KẺ SĨ