Thời gian qua, từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tạo điều kiện cho nhiều CCB trẻ tuổi người DTTS khi xuất ngũ trở về địa phương có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình phát triển chăn nuôi kết hợp dịch vụ vận tải của CCB Vàng Seo Chớ, sinh năm 1987, ở xã Bản Phố.
CCB Vàng Seo Chớ chia sẻ: "Tôi ra quân năm 2009, trở về quê hương Bản Phố lập nghiệp, được kết nạp làm hội viên Hội CCB. Năm 2010, tôi lập gia đình. Được Hội CCB xã quan tâm, tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng đầu tư mua xe tải làm nghề dịch vụ vận tải, chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu xây dựng cho các hộ dân trên địa bàn xã và huyện. Bên cạnh đó, gia đình tôi mua thêm đất, đầu tư xây dựng trang trại, làm chuồng trại, tập trung chăn nuôi gà và lợn đen, bước đầu đời sống kinh tế gia đình đã ổn định".
5 năm qua, Hội CCB huyện đã chú trọng triển khai phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi thông qua nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả. Ông Hoàng Thanh Văn, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: "Hội đã chú trọng phong trào thi đua sâu rộng tới các cơ sở Hội và hội viên tích cực hưởng ứng tham gia thi đua bằng những việc làm thiết thực cụ thể; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên nghèo vay vốn ưu đãi; phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tổ chức tổng kết, biểu dương, nhân rộng cách làm mới, hiệu quả, tổ chức tham quan các mô hình tiêu biểu, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế trong hội viên...".
Từ đó phong trào CCB đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ngày càng tạo sự lan tỏa sâu rộng ở các cấp hội trong toàn huyện. Bằng ý chí tự lực, tự cường, không chịu đói nghèo, nhiều CCB đã nỗ lực vượt khó đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tùy điều kiện địa lý, thổ nhưỡng của từng địa phương, nhiều hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng giá trị thu nhập. Điển hình như CCB Nguyễn Đức Lợi, sinh năm 1973, thôn Làng Chảng, xã Cốc Lầu. Với mô hình kinh tế VAC-R, trọng tâm là đầu tư chăn nuôi trâu và trồng quế. Từ năm 2000 đến nay đã giúp hơn 100 lượt hộ gia đình CCB và hộ nghèo ở huyện Bắc Hà nuôi rẽ hơn 200 con trâu (hiện nay đang nuôi rẽ 120 con trâu), từ đó giúp 30 hộ thoát nghèo.
Rất nhiều hộ gia đình cựu chiến binh khác đã vươn lên khá giả. Tiêu biểu trong phát triển kinh tế đồi rừng phải kể đến gương CCB Hầu Thào Chính, xã Cốc Lầu trồng 146ha rừng kinh tế; CCB Triệu A Sơn xã Nậm đét với trên 10ha quế; mô hình cây dược liệu Actiso của CCB Ma Seo Vần, xã Lùng Phình; mô hình trồng thảo quả của gia đình CCB Vàng Chín Tờ, xã Tả Củ Tỷ...
Trong phát triển chăn nuôi, các hội viên CCB đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, theo định hướng hàng hóa đã đem lại hiểu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như mô hình trang trại của CCB Lê Thị Gấm, xã Nậm Lúc; Lương Văn Luân, xã Bảo Nhai. Đặc biệt là mô hình chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, ngựa của các gia đình hội viên Hầu Seo Phù, Hầu Seo Chính, Lục Văn Khởi... xã Cốc Lầu.
Đến nay toàn huyện Bắc Hà có 2 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã thuộc hội viên CCB. Số hộ khá, giàu 826; hộ trung bình 468; hộ cận nghèo 77; hộ nghèo 68 (theo kết quả điều tra năm 2020).
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội CCB huyện đã vận động được nhiều hội viên, Nhân dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp của để xây dựng các công trình công cộng, nhà văn hoá, nhất là các tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất.
Tin tưởng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành, sự đoàn kết nội bộ, các CCB vùng cao Bắc Hà tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tích cực thi đua yêu nước, đẩy mạnh phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần nâng cao đời sống gia đình hội viên, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Bắc Hà ngày một đổi mới.