Sáng 26/1, Ủy Ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban.
Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, tinh vi, manh động
Báo cáo tạo Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc ước tính số người sử dụng ma túy trên thế giới tăng từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023.
Tại Việt Nam, tình hình tội phạm ma túy ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Trong năm 2023, thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp, không nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 57/2022 ngày 25/8/2022 của Chính phủ; phát hiện phương thức sản xuất ma túy mới lần đầu tiên xuất hiện ở Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực…
Hiện toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội, chiếm 42%.
Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá". Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương.
Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dương tính với ma túy tiếp tục gia tăng. Hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về an ninh trật tự tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.
Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn xảy ra tình tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện, cây cần sa xen lẫn với các loại cây hoa màu, diện tích nhỏ lẻ; trồng cần sa tại các căn hộ khu chung cư...
Năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo phát hiện, đấu tranh 27.333 vụ, 42.977 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 523,74 kg heroin, 541,64 kg cần sa, 96,978 kg thuốc phiện, hơn 4.099 kg và 2 triệu viên ma túy tổng hợp, 118 khẩu súng.
Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Về tình hình HIV/AIDS, Bộ Y tế ước tính cả nước hiện có gần 250.000 người nhiễm HIV, trong đó năm 2023 phát hiện thêm 13.445 trường hợp HIV dương tính mới.
Số ca nhiễm HIV phát hiện trong năm 2023 tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long (33%), TPHCM (23,5%), khu vực Đông Nam Bộ là 21%, khu vực miền Núi phía bắc chiếm 9%, khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Hồng mỗi khu vực chiếm 4%-7%. Khu vực Tây Nguyên thấp nhất (3%).
Tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 và 12,47% năm 2022. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từng sử dụng ma túy cao gấp 8 lần so với nhóm MSM chưa từng sử dụng ma túy.
Cá biệt một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự xấp xỉ 1%, đây là mức độ UNAIDS cảnh báo dịch HIV lây lan rộng trong cộng đồng.
Bộ Y tế cảnh báo dịch HIV trong nhóm MSM nguy cơ cao lây nhiễm HIV sẽ lan rộng ra tất cả các tỉnh, thành phố nếu không được quan tâm, triển khai đồng bộ các biện pháp dự phòng cho nhóm MSM sớm.
Kể từ đầu dịch đến nay, đã có 114.195 người nhiễm HIV tử vong, trong đó năm 2023 có 1.623 trường hợp tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh sự cần thiết phải có chương trình MTQG về phòng, chống ma tuý; thực hiện tổng điều tra về người nghiện trên phạm vi cả nước để quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này; đưa nội dung phòng, chống ma tuý vào chương trình học chính thức; có giải pháp tăng cường nhân lực xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở cai nghiện; giảm mức tự chủ đối với các cơ sở y tế dự phòng; xây dựng đề án dạy nghề cho người sau cai nghiện; tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng cho người sau cai nghiện…
Qua chia sẻ của các địa phương, có thể thấy nơi nào các cấp chính quyền quan tâm, không phó mặc việc phòng, chống ma tuý cho các lực lượng chức năng thì nơi đó quản lý tốt hơn tội phạm ma tuý, quản lý tốt hơn người nghiện, và chăm lo tốt hơn cho người sau cai nghiện.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tình hình HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương, chứ không phó mặc cho các lực lượng chức năng.
"Ngày trước bắt, thu giữ ma túy tính bằng gam, kg, tạ, giờ tính bằng tấn, hàng trăm tấn, rất khủng khiếp. Các đối tượng buôn bán ma túy với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, hoạt động mại dâm. Khi kinh tế khó khăn, chúng càng hoạt động mạnh"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng bày tỏ lo ngại đối với tình trạng người nghiện ma túy, mại dâm, AIDS được phát hiện vẫn chiếm phần nhỏ so với thực tế, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm AIDS cao trong giới trẻ, trong khi tương lai, giống nòi của đất nước lại nằm ở người trẻ. Tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, ẩn kín. Không chỉ hoạt động mại dâm trong nước, các đối tượng còn hoạt động mại dâm xuyên biên giới, ở nước ngoài.
Đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Ban Chỉ đạo đặt ra cho năm 2024 và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung lại hành lang pháp lý thuộc trách nhiệm của mình cho phù hợp với tình hình thực tiễn; báo cáo Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền để tháo gỡ ngay.
Mỗi địa phương phải chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để có những giải pháp riêng phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn lực của mình; có kế hoạch đầu tư, xây dựng hoặc nâng cấp các cơ sở cai nghiện.
Tỉnh Kon Tum và Đắk Nông, hiện là hai trong 3 địa phương của cả nước chưa có cơ sở cai nghiện, cần chủ động bố trí quỹ đất, lên kế hoạch xây dựng cơ sở cai nghiện, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa; phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài trong phòng, chống ma tuý, mại dâm; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm, vận động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và mại dâm.
Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông có những hình thức tuyên truyền mới mẻ, sinh động, hấp dẫn sao cho thấm, ngấm sâu vào từng người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác thống kê số người nghiện; tăng cường công tác chuyển đổi số; tính toán đưa nội dung tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm vào chương trình giáo giáo dục.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma tuý cho người Việt Nam, để có đủ hành lang pháp lý và nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác này./.