Tuần Văn hóa, Du lịch Bắc Kạn năm 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì và thành phố Bắc Kạn.
Lễ bế mạc sẽ gắn với Lễ hội văn hóa “Chợ tình Xuân Dương” cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn khác.
Trong đó, màn dân vũ múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên người dân tộc Tày trong Tuần Văn hóa, Du lịch Bắc Kạn sẽ là hoạt động trình diễn nghệ thuật dân vũ lớn nhất của Bắc Kạn từ trước tới nay.
Múa bát là điệu múa cổ, mô phỏng lại các động tác ươm tơ, dệt vải của người Tày từ xa xưa. Chiếc bát dùng để ươm tơ, nén tơ, đôi đũa để khuấy đều tơ tằm được nén trong bát, các chị em phải đảo đều tay để cho những sợi tơ cuốn vào chiếc đũa và động tác cứ như vậy, lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi đủ sợi tơ để dệt vải.
Đạo cụ được thể hiện trong điệu múa là chiếc bát, đôi đũa, được bà con dùng trong bữa ăn hằng ngày. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những người phụ nữ về những nhọc nhằn trong việc ươm tơ, dệt vải, qua đó còn thể hiện khát vọng về cuộc sống đủ đầy. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ để bất kỳ ai từ già đến trẻ đều có thể tham gia và tạo nên sự lôi cuốn đối với cộng đồng.
Múa bát của người Tày tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trong năm 2022. Loại hình dân vũ này đã và đang tạo ra điểm nhấn vô cùng đặc sắc cho các lễ hội tại Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng Tuần Văn hóa, Du lịch năm 2024 sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng các Tour, tuyến, điểm du lịch mới giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế.
Đồng thời, đây là hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch; giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để thu hút các doanh nghiệp đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư.