Bên dòng sông Krông Ana hiền hòa, người Ê Đê Bih (một nhánh của dân tộc Ê Đê) ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana sở hữu những đặc trưng văn hóa không nơi nào trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có được. Bởi chỉ có người Ê Đê Bih ở đây cho phép, khuyến khích phụ nữ đánh cồng chiêng. Cho đến nay, bao nhiêu thế hệ phụ nữ Ê Đê Bih vẫn miệt mài gìn giữ chiêng Jho như báu vật. Có thể nói, từ nhiều năm qua, Buôn Trấp đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo tồn văn hoá, đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 hiện đang được triển khai trên địa bàn cả nước.
Nhằm giữ gìn văn hóa cồng chiêng của dân tộc, người Ba Na ở làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) đã thành lập các đội chiêng để phục vụ đời sống tinh thần và bảo tồn cồng chiêng để không bị mai một. Đặc biệt, người làng Leng không chỉ gìn giữ cồng chiêng bằng cách truyền lại cho đàn ông trong làng, họ còn truyền dạy cho phụ nữ, các thế hệ trẻ em, thanh, thiếu niên để lưu giữ âm nhạc Tây Nguyên.
Cồng chiêng đã ăn sâu vào tiềm thức, không đơn thuần chỉ là âm nhạc, mà còn mang đậm giá trị văn hóa dân tộc, là ngôn ngữ giúp kết nối con người với thiên nhiên… Đây chính là lý do để Nghệ nhân H’Ríu Hmok ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) luôn trăn trở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng nữ.