Khi nghệ sỹ coi mình là “cái rốn của vũ trụ”
Gần đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức công bố dự án điện ảnh về cuộc đời mình, có tên “Hào quang rực rỡ - The King”. Từ “The King” (ông vua) và hình ảnh “ông hoàng” ngồi gác chân cùng với vương miện lẫn ngai vàng long lanh đã nhận về nhiều chỉ trích, phê phán, gây tranh cãi lớn trong dư luận về sự ngạo nghễ, lố bịch, ảo tưởng sức mạnh của của ca sỹ có danh xưng tự phong ông hoàng nhạc Việt này.
Tương tự, đầu năm nay, khi bị khán giả chê chương trình "Táo quân" nhạt nhẽo, NSƯT Xuân Bắc viết một câu chuyện về nồi bánh chưng của mẹ, với nội dung kể về đứa con năm nào cũng về ăn bánh chưng căng bụng, nhưng hễ cắn một miếng là chê ỏng chê eo dù anh ta không biết gói bánh. Một nghệ sỹ kỳ cựu như Xuân Bắc lại ẩn ý tự cho họ ở vai người mẹ - kẻ trên và khán giả là vai người con - kẻ dưới cho thấy tư duy lệch lạc, cái nhìn trịch thượng, coi thường công chúng.
Những năm qua, sự lên ngôi của “ông hoàng”, “bà chúa” trong giới giải trí không còn xa lạ. Thậm chí, số lượng tăng lên theo từng năm. Công chúng cũng quen với danh xưng gắn liền với tên của nghệ sĩ như: ông hoàng nhạc Việt Đàm Vĩnh Hưng, nữ hoàng giải trí Hồ Ngọc Hà, công chúa V-Pop Bảo Thy, vua nhạc sến Ngọc Sơn… Ngay cả người mẫu nội y cũng được ưu ái gắn liền với ngôi vị “nữ hoàng”. Tỉ lệ thuận với sự ra đời của họ là hiện tượng lệch chuẩn văn hoá trong cư xử với nhau và với công chúng.
Hai từ “xin lỗi” đã được rất nhiều nghệ sĩ sử dụng sau khi xảy ra những hành vi sai lầm. Như chuyện nghệ sĩ Hoài Linh đăng đàn trước khán giả vụ việc giải ngân chậm số tiền hơn 13 tỉ quyên góp cho miền Trung; ca sĩ Hiền Hồ công khai cúi đầu sau vụ lộ ảnh thân mật với người có gia đình; nhiều nghệ sỹ xin lỗi vì quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thực phẩm chức năng không đúng với sự thật...
Những nghệ sĩ này đều dính đến những bê bối thuộc phạm trù đạo đức, trong đó hành vi và thái độ đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội khiến khán giả phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay trên nhiều phương tiện truyền thông. Thế nhưng, bất chấp sự phản đối của dư luận, họ nhanh chóng dùng chiêu trò quay trở lại hoạt động. Nhiều nghệ sỹ vi phạm đạo đức, lệch chuẩn văn hoá là vấn đề nóng hiện nay.
Lành mạnh hoá không gian mạng
Với người nghệ sỹ, mang sứ mệnh cao cả và cũng nặng nề hơn người bình thường ở chỗ họ còn là sứ giả của văn hoá. Âm nhạc hay phim ảnh đều là những môn nghệ thuật hướng công chúng đến chân - thiện - mỹ. Trong thời đại công nghệ như hiện tại, nhờ sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, nghệ sỹ có thể kiếm được những khoản tiền lớn.Thế nhưng, một bộ phận nghệ sỹ chỉ quan tâm quyền lợi chứ chưa đính kèm trách nhiệm.
Thể hiện cái tôi với nghệ sỹ là điều dễ hiểu, nhưng cái tôi không đi liền với trách nhiệm xã hội, không ý thức được ảnh hưởng, cư xử, lối sống đối với công chúng lại là một vấn đề nghiêm trọng cần phải lên tiếng cảnh tỉnh.
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định, với vai trò của mình, nghệ sỹ mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, trên màn ảnh hoặc bất cứ đâu phải truyền tải được thông điệp tốt đẹp. Với những người đã có thương hiệu, tiếng tăm thì càng phải khắt khe hơn, càng phải giữ gìn hơn để không ảnh hưởng đến hình ảnh của cá nhân và không truyền đi những hình ảnh, thông điệp xấu.
Ngày 15/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, kế hoạch hành động cập nhật thực thi chiến lược này nêu rõ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Các nghệ sỹ, KOLs nếu vi phạm về phát ngôn hay quảng cáo sai sự thật, ngoài xử phạt hành chính và bị chế tài theo pháp luật, sẽ còn có nguy cơ bị khóa kênh, cắt quảng cáo và tới đây sẽ là cắt sóng, cấm biểu diễn. Quy định này của Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2023 nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nghệ sỹ, những người có ảnh hưởng đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ, vị thành niên.
Theo khảo sát được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Điều này đã vô tình đầu độc và tiêm nhiễm cả tương lai của một thế hệ trẻ sau này.
Nghệ thuật là cái đẹp nên người làm nghệ thuật cũng phải đẹp từ trong ra ngoài. Trước khi là một nghệ sỹ ,thì họ cũng là một công dân, phải thượng tôn pháp luật, tôn trọng khán giả cũng chính là tôn trọng bản thân mình.