“Thị trường” sôi động
Theo thống kê từ Bộ Công an, Việt Nam hiện có khoảng 77,93 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 79% dân số, xếp thứ 12 trên thế giới.
Với một thị trường rộng lớn người dùng mạng, việc kinh doanh mua bán dữ liệu cá nhân được ví như một "mỏ vàng" để nhiều người khai thác. Từ đó kéo theo hiện tượng đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trong thời gian vừa qua.
Thậm chí, việc mua bán thông tin cá nhân còn đang được diễn ra một cách công khai, trắng trợn trên không gian mạng. Bởi vì chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua thông tin cá nhân”, lập tức kết quả sẽ thu về hàng loạt địa chỉ rao bán đủ loại dữ liệu cá nhân, với đầy đủ thông tin quan trọng, từ tên tuổi, số điện thoại, email, đến ngành nghề, chức vụ và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng…
Chỉ trên mạng xã hội Facebook, đã có hàng chục hội nhóm mua bán dữ liệu cá nhân, với số lượng thành viên đông đảo, cùng hàng chục bài viết được đăng tải mỗi ngày trên các hội nhóm này liên quan đến việc tìm kiếm, rao bán thông tin khách hàng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Việc dễ dàng trong cả việc rao bán và tìm mua thông tin, đã khiến dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trở thành món hàng béo bở cho kẻ xấu thu lợi, khai thác bất chính.
Đáng nói, tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp, với quy mô lớn, chuyên nghiệp và bài bản hơn rất nhiều.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong 2 năm 2019 và 2020, dữ liệu cá nhân mua bán trái phép đã lên tới gần 1.300 GB, trong đó chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Hơn 2/3 dữ liệu dân số Việt Nam đang bị thu thập, chia sẻ trên mạng với với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau.
Những con số dữ liệu người dùng khổng lồ mà có lẽ, chính những người là nạn nhân cũng không hề hay biết rằng, chính thông tin cá nhân của mình lại đang trở thành một món “hàng hóa” cho việc thu lợi bất chính của kẻ xấu.
Công cụ lừa đảo trực tuyến
Trước thực trạng mua bán dữ liệu cá nhân ngày càng gây nhức nhối trong dư luận, với những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều người dùng mạng không khỏi hoang mang, bởi đây chính là “nguồn cơn” cho vô số những cuộc gọi, tin nhắn “khủng bố” mỗi ngày và thậm chí là cả những chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc An ninh mạng, Tập đoàn Công nghệ BKAV, khi lộ lọt, thông tin cá nhân sẽ bị các nhóm tội phạm thu thập, sử dụng nhiều mục đích thương mại như quảng cáo sản phẩm khiến chúng ta bị làm phiền. Nguy hiểm hơn là bị sử dụng trong các mục đích như lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiến đoạt tiền của người dân. Hay có thể dùng thông tin đó để gọi điện đe dọa, ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe của mình và người thân.
Chỉ trong năm 2022, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, tăng gần gấp đôi so với năm 2021.
Đáng nói, những chiêu trò lừa đảo rất đa dạng và biến tướng không ngừng. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có đến 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng. Từ lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”, lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao đến giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, tuyển người mẫu nhí, giả danh cơ quan công an…nhằm chiếm đoạt tài sản.
Không ít trường hợp vì không đủ tỉnh táo, bình tĩnh trước các chiêu trò lừa đảo, hay vì cả tin, hy vọng vào một phiếu quà tặng “từ trên trời rơi xuống” mà bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng, khiến số tiền trong tài khoản cũng “không cánh mà bay”…
Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân chính là điều kiện cho các đối tượng thu thập, sử dụng dữ liệu để trao đổi, mua bán tràn lan. Để phòng ngừa tình trạng như này, mỗi người cần phải nâng cao ý thức bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân của chính mình.
Theo đó, người tiêu dùng phải luôn cảnh giác với các chiêu thức chào mời dịch vụ qua điện thoại, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin. Cảnh giác với các đường link giả mạo, các trang web có yêu cầu điền thông tin cá nhân, tránh tạo kẽ hở để kẻ gian có cơ hội trục lợi. Đồng thời, nên thực hiện biện pháp cài đặt phòng, chống phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử, thường xuyên cập nhật, thay đổi mật khẩu và sử dụng mật khẩu mạnh, kết hợp bảo mật nhiều lớp, hạn chế đăng nhập tài khoản trên các thiết bị công cộng, thiết bị lạ…
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua. Đây là bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người và an ninh mạng.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị trực thuộc xây dựng, phát hành Cẩm nang Bảo đảm An toàn thông tin, hướng dẫn các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản và triển khai chiến dịch đẩy lùi mã độc trên toàn quốc. Trong trường hợp gặp phải vấn đề liên quan đến việc lộ lọt dữ liệu cá nhân, người dân có thể phản ánh tại địa chỉ khonggianmang.vn, gửi nhắn tin, gọi điện qua tổng đài 156 để được hỗ trợ kịp thời.