Đưa chầu văn đến với công chúngNghệ nhân Bùi Quốc Thi là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống hát chầu văn ở Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Từ khi còn nhỏ tuổi, ông đã bắt đầu học hát. Có vốn chữ Nho, thêm ngón đàn nguyệt gia truyền từ nhiều đời cùng với năng khiếu bẩm sinh nên ông học rất nhanh và sớm cảm nhận được những tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 14 tuổi, ông đã tự mình đi hát tại các đền phủ gần nhà.
Với mong muốn đưa những giá trị của chầu văn đến với đông đảo khán giả thuộc mọi tầng lớp nhân dân, Nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật, các đêm diễn quần chúng ở làng Vân Đình. Ông đã phổ nhạc một số bài thơ để hát chầu văn như bài “Vân Đình quê ta”, hay tự sáng tác những bài có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước như “Ơn Đảng Bác Hồ”.
Vào tháng 11/2016, nhận lời mời của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, Nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã đưa tác phẩm “Ông Hoàng Mười” lên sân khấu trong chương trình Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Nói đến việc đưa chầu văn từ hầu đồng lên sân khấu, nghệ nhân Bùi Quốc Thi cho biết, trước đó đã có nhiều vở diễn để lại tiếng vang trong công chúng. Phải kể đến vở diễn “Tứ phủ” do Nhà hát Việt (Viettheatre) dàn dựng vào cuối năm 2016, lấy cảm hứng từ nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Vở diễn “Tứ phủ” đã nhận được sự quan tâm từ công chúng Thủ đô cũng như các vị khách quốc tế. Cùng nhận được sự phản hồi khả quan như “Tứ phủ” đó là vở “Ngũ biến” của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn tái hiện 5 giá đồng, khi đi lưu diễn đã đón lượng người xem đông đảo và gặt hái một số giải thưởng tại các liên hoan sân khấu quốc tế.
Truyền dạy cho thế hệ trẻSức hút từ tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua loại hình nghệ thuật chầu văn đã được minh chứng. Theo ông Thi, khi được đưa lên sân khấu, những nét đặc sắc này được cộng hưởng và nhân lên. Từ chỗ thành kính tôn sùng như một tín ngưỡng lâu đời, công chúng đã dần coi tín ngưỡng thờ Mẫu trở thành một loại hình nghệ thuật.
Với tâm huyết đưa chầu văn đến gần với công chúng hơn, mặc dù đã gần 60 tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Bùi Quốc Thi vẫn miệt mài cống hiến. Ông đã sưu tầm và lưu giữ được hàng trăm bài hát với khoảng 50-60 làn điệu khác nhau trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ.
Không chỉ là một nghệ sĩ đi hát, Nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn tâm nguyện truyền dạy lại nghệ thuật hát văn cho thế hệ sau để bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ông đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn hát văn xứ Đoài để thường xuyên đưa nghệ thuật hát văn vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua các hội thi, hội diễn. Hiện nay, CLB Hát văn xứ Đoài có gần 50 thành viên tham gia sinh hoạt.
Nhiều thành viên ở các tỉnh xa như Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An... cũng đến xin học hát. Hiện nay, nhiều học trò của ông đã trở thành những cung văn nổi tiếng.
Với ông, hạnh phúc hơn cả là đã truyền được ngọn lửa đam mê sang con trai và cháu nội. Con trai của ông-Bùi Thành Đạt, 33 tuổi, là một cung văn mới xuất hiện trong “làng chầu văn”.
Bên cạnh việc sưu tầm, sáng tác, truyền dạy và đưa nghệ thuật hát văn đến gần với công chúng, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Quốc Thi cùng với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã tham gia biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách về nghệ thuật hát văn, tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông cũng là người đóng góp một phần công sức để đưa di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016.
HỒNG MINH