Chính sách BH thất nghiệp “bệ đỡ” cho người lao động mất việc làm
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến hàng nghìn lao động ở Bắc Ninh bị mất việc làm. Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang trở thành “bệ đỡ” cho người lao động (NLĐ) trước khi tìm được việc làm mới.
Anh Lê Văn Thủy (quê Thanh Hóa) là một trong hàng nghìn lao động gửi hồ sơ đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo anh Thủy, do dịch bệnh, anh phải nghỉ việc, đồng nghĩa với việc không có khoản thu nhập cố định hằng tháng. Anh mong sớm được nhận trợ cấp thất nghiệp để trang trải cuộc sống, bởi tìm việc làm trong thời điểm này khá khó khăn.
Theo ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.758 người đăng ký làm thủ tục BHTN, chủ yếu là những lao động trong lĩnh vực điện, điện tử. Trong bối cảnh dịch Covid-19, chính sách BHTN đã thực sự trở thành chỗ dựa cho NLĐ, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong mùa dịch.
“Chúng tôi cố gắng để làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ vừa đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ làm thủ tục hưởng BHTN thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh, zalo, facebook, điện thoại,…”, ông Duyệt cho biết thêm.
Để kịp thời hỗ trợ NLĐ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ, tính đến đầu tháng 10/2021, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện xong một số nội dung quan trọng trong quy trình triển khai hỗ trợ.
Tính đến hết ngày 3/11, BHXH Bắc Ninh đã thông báo giảm đóng BHTN đối với 5.876 doanh nghiệp, tương ứng với 375.872 NLĐ với số tiền tạm tính trên 289,66 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã giải quyết hỗ trợ cho 281.633 NLĐ, tổng số tiền đã chi hỗ trợ cho NLĐ là hơn 634,36 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai hỗ trợ từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê tỉnh, tính đến giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ này với tổng kinh phí được 142,13 tỷ đồng.
Thúc đẩy thị trường việc làm
Trên thực tế, các gói hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm, giãn việc do dịch bệnh chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Như chia sẻ của ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh, đây là những chính sách an sinh xã hội nhằm giúp cho NLĐ có thu nhập tạm thời khi mất việc làm, chưa tìm được việc mới. Do đó, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ cần chủ động tìm việc làm phù hợp, tham gia các phiên giao dịch việc làm để sớm trở lại thị trường lao động.
Sau khi Bắc Ninh và các địa phương khác trên cả nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, việc làm mới đang mở ra nhiều cơ hội cho NLĐ ở Bắc Ninh. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 1.883 doanh nghiệp gia nhập thị trường, với tổng vốn đăng ký là 22.391 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, giảm 3,7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng khá (+18,2%) về tổng vốn đăng ký bổ sung.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 592 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 10 tháng đầu năm lên 2.475 doanh nghiệp, tăng 6,5%.
Theo ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, kể từ khi Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh, quay trở về trạng thái bình thường mới, nhiều cơ quan, ban, ngành bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ kết nối cung cầu thị trường lao động, còn chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề được đơn vị thực hiện xuyên suốt quá trình lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thời gian tới, chương trình tuyển dụng việc làm tại Bắc Ninh tiếp tục được các đơn vị đẩy mạnh thực hiện qua hình thức livestream trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội facebook hay một số kênh liên kết, phối hợp khác, nhằm kết nối NLĐ bị mất việc, cắt giảm hoặc luân chuyển việc làm… với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Qua đó, không chỉ giúp NLĐ có cơ hội học tập, tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nhân sự, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, có phương án ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh trong điều kiện mới.