28 người chết, 6 người mất tích, 19 người bị thương; gần 1.000 ngôi nhà, công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm bị hư hỏng nặng… Ước thiệt hại lên tới gần 700 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tại chỗ không quản nguy hiểm đã băng rừng, vượt núi để đến hiện trường vùng lũ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích và ổn định nơi ăn, chốn ở cho bà con Nhân dân.
Cùng với đó, tại những điểm phát hiện mất an toàn, có thể xảy ra sạt lở; các địa phương đã hỗ trợ hàng trăm gia đình di chuyển người và tài sản đến nơi ở an toàn. Cụ thể như 17 hộ dân với khoảng 100 nhân khẩu ở thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu cũng đã được lực lượng chức năng di chuyển xuống núi. Hiện bà con được bố trí chỗ ăn, ở bảo đảm an toàn và các điều kiện sinh hoạt cần thiết như nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia…
“Khi mưa lũ ở trên núi thì thấy nguy hiểm quá, bà con trong bản ai cũng lo lắng vì sợ bị sạt lở núi. Khi được chính quyền vận động chuyển xuống khu tập kết, thì tất cả Nhân dân trong bản đều đồng ý di chuyển. Tuy phải rời nơi ở cũ đã gắn bó nhiều năm nay, nhưng xuống đây an toàn hơn nên gia đình rất yên tâm”, chị Giàng Thị Xúa, người dân thôn Kho Vàng chia sẻ.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, người dân vùng lũ Bắc Hà cũng đã nhận được sự sẻ chia, ủng hộ của các nhà hảo tâm và Nhân dân cả nước, với số tiền hàng tỷ đồng và hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm.
“Sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của đồng bào trong cả nước thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”; qua đó, đã góp phần tích cực trong việc ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc; cũng như việc tái thiết, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương sau thiên tai”, ông Vàng Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bắc Hà cho biết thêm.
Đặc biệt, việc tái thiết cơ sở hạ tầng sớm bố trí người dân mất nhà cửa, phải di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm cũng được chính quyền từ tỉnh đến huyện khẩn trương triển khai.
Cụ thể, ngày 21/9, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức khởi công tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà. Khu vực tái thiết có diện tích khoảng 3,5ha, bố trí khoảng 40 hộ dân chuyển đến sinh sống. Trong đó, mỗi căn hộ sẽ có diện tích khoảng 350 mét vuông, cùng nhiều công trình phụ trợ.
Tiếp đó, ngày 22/9, UBND tỉnh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư thôn Nậm Tông của xã Nậm Lúc, với quy mô rộng 8,5ha, bố trí chỗ ở cho khoảng 70 hộ dân, diện tích trung bình khoảng 350 mét vuông/1 hộ; cùng với đó là nhà văn hóa, điểm trường, hệ thống điện, nước… được đầu tư xây dựng với mục tiêu, các khu tái định cư mới bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống và phù hợp với văn hóa, tập quán của đồng bào các dân tộc. Việc triển khai thi công sẽ được các đơn vị tập trung nhân lực, máy móc, tăng ca với mục tiêu đến 31/12 sẽ hoàn thành để bà con Nhân dân chuyển về sinh sống.
“Phải đẩy nhanh tiến độ thi công mặt bằng xây dựng nhà ở, cùng với đó là hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước sinh hoạt. Các sở, ban, ngành liên quan, huyện Bắc Hà và đơn vị thi công phải thường xuyên trao đổi thông tin, tháo gỡ ngay những khó khăn bảo đảm tiến độ xây dựng và hoàn thành khu tái định cư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2024”, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh khi kiểm tra tiến độ thi công các khu tái định cư vào ngày 28/9 vừa qua.
Mưa lũ đã qua đi để lại nhiều tổn thất về người và tài sản; tuy nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và hướng tới tương lai tươi sáng. Hiện nay, cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà đoàn kết một lòng, chung tay để tái thiết quê hương, hàn gắn những “vết thương” do thiên tai, mưa lũ gây ra.