Được biết, ngay từ nhỏ ông Sáng đã có đam mê và yêu thích những nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Nhờ chịu khó tham gia các buổi lễ, những câu hát, điệu nhảy cứ thế đi vào tâm trí ông lúc nào chẳng hay. Thời gian chiến tranh ác liệt đã làm gián đoạn nghi lễ, tưởng như mai một, tuy nhiên, sau khi hòa bình được lập lại, ông Sáng từng bước luyện tập, sưu tầm tài liệu với mong muốn phục dựng văn hóa dân tộc mình.
“Năm 1986, tôi tìm đến nhà già làng Nình A Hồ, thôn Khe Lục, xã Đại Dực, xin để được theo già học hát múa các nghi lễ dân tộc mình. Phải mất đến 3 năm, tôi mới thành thạo và bắt đầu tham gia thực hành các nghi lễ cho dân làng. Từ đó, tôi được Nhân dân, các cụ trong làng tin tưởng và phong làm thầy cả của làng”, ông Sáng tâm sự.
Được phong thầy Cả ở tuổi tứ tuần, đến nay ông Sáng đã chuẩn bị bước sang tuổi 70, nhưng vẫn luôn canh cánh trong lòng việc giữ gìn văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau. Bởi theo như ông nói, hiện không còn mấy ai thông thuộc cách thức thực hành các nghi lễ dân tộc, đặc biệt là nghi lễ cầu mùa, cầu an.
Từ năm 2015, ông Lỷ A Sáng mở lớp học miễn phí tại nhà để truyền dạy cho người dân muốn học các bước tiến hành nghi lễ. Trong đó ông luôn chú trọng truyền dạy hai nghi lễ cầu mùa và cầu an, là hai nghi lễ được sử dụng nhiều nhất của người dân tộc Sán Chỉ. Đến nay, lớp học của ông Sáng đã có 9 học viên thành thạo từ chữ viết, cách trình diễn dân gian và hoàn thành tốt nghi lễ cầu mùa, cầu an truyền thống người Sán Chỉ.
Cùng với đó, ông đã phối hợp với các trường học trên địa bàn, thông qua các lớp học do UBND xã phối hợp với đoàn thanh niên các trường học tổ chức, giúp truyền cảm hứng lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ông Lỷ A Sáng cũng là người tích cực cùng chính quyền địa phương tìm cách phục dựng lễ hội văn hóa, trang phục, đạo cụ làm nghi lễ cầu mùa và ma chay… của người Sán Chỉ. Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ông Sáng là người nắm giữ nhiều tài liệu, sách cổ và cũng là người giúp địa phương phục dựng những nghi lễ cổ, lễ hội của người Sán Chỉ theo đúng nguyên bản, bản sắc văn hóa. Có những lễ hội sau khi được phục dựng năm 2014, đến nay đã có hơn 10 lần được tổ chức như: Cầu mùa, cầu an...”.
Với những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn, phục dựng văn hóa dân tộc của người Sán Chỉ tại Quảng Ninh, năm 2015, ông Lỷ A Sáng vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.