Khoảng hơn mười năm trước, đường vào xã Ba Động, huyện Ba Tơ chỉ là những tuyến đường nhỏ “nắng bụi, mưa bùn”; đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy và thu lượm lâm sản phụ nên gặp nhiều khó khăn. Nhờ các dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là Chương trình xây dựng NTM, giờ đây diện mạo nông thôn xã Ba Động ngày càng khởi sắc.
Ông Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Động cho biết: Những năm qua, từ nguồn lực các chương trình, dự án, xã đã huy động được trên 31 tỷ đồng đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi được cứng hóa và kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân... Đây là nền tảng để Nhân dân trong xã vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Theo thống kê của xã Ba Động, hiện thu nhập bình quân trên địa bàn đã đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,02%. Đặc biệt, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập ổn định từ 100-120 triệu đồng/năm.
Tương tự, Sơn Tinh là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sơn Tây, giao thông đi lại cách trở. Với nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong xã và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, Sơn Tinh hiện đã đạt 12 tiêu chí NTM.
Chủ tịch xã Sơn Tinh Phạm Như Tuấn cũng cho rằng, so với đồng bằng, người dân miền núi, vùng cao không có điều kiện để đóng góp tiền, chủ yếu phát huy sức dân từ những điều kiện sẵn có. Do vậy, công cuộc xây dựng NTM của những xã miền núi rất khó khăn; việc Sơn Tinh đạt được 12 tiêu chí như hiện nay đã là một nỗ lực rất lớn.
Chia sẻ của ông Tuấn là một thực tế trong xây dựng NTM ở các xã miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 huyện miền núi của tỉnh thì vẫn có tới 4 huyện (Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà) chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.
Hơn nữa, so với khu vực đồng bằng, khoảng cách các tiêu chí còn chênh lệch lớn. Nhất là tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo ở các xã còn từ 15-40%; thu nhập bình quân chỉ đạt 15-18 triệu đồng/người/năm...
Một trong những tiêu chí khó đạt ở các xã miền núi Quảng Ngãi hiện nay là về giao thông. Tiêu chí yêu cầu các tuyến đường trên địa bàn phải được bê tông, cứng hóa đạt từ 70% trở lên.
Ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: “Các xã miền núi phần lớn địa hình là đồi núi, nên kinh phí xây dựng đường giao thông là vô cùng lớn, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động Nhân dân đóng góp rất hạn chế. Địa bàn này cũng thường xuyên bị mưa lũ, sạt lở nên để đạt chỉ tiêu về giao thông là rất khó”.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có 98 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 xã vùng DTTS và miền núi. Nhưng trên địa bàn 6 huyện miền núi của tỉnh mới chỉ có các xã: Ba Động (huyện Ba Tơ), Trà Bình (huyện Trà Bồng), Long Sơn (Minh Long), Sơn Thành (huyện Sơn Hà) và Sơn Tinh (huyện Sơn Tây) đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; còn hầu hết các xã miền núi khác đều dưới 10 tiêu chí. Với thực trạng này, mục tiêu có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi liệu có khả thi?
THÀNH NHÂN