Sản xuất lớn
Bà Lò Thị Tươi, bản Nà Sản, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn chia sẻ: Gia đình bà có hơn 1ha đất nông nghiệp. Trước đây, do không am hiểu KH-KT, nên chỉ sử dụng nửa diện tích để trồng lúa, ngô, rau màu và một số cây ăn quả… Mặc dù rất chịu khó, nhưng cũng chỉ đủ ăn, tích lũy rất thấp. Năm 2008, HTX nông nghiệp Nà Sản được thành lập có vận động gia đình bà góp đất làm ăn. Ban đầu, bà cũng ngần ngại, nhưng Ban Giám đốc HTX kiên trì vận động nên bà đã đồng ý.
Khi tham gia vào HTX, gia đình bà chuyển toàn bộ diện tích sang trồng các loại hoa quả như, cam đường canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn… Hiện, HTX có 11 thành viên, với hơn 15ha đất nông nghiệp chuyên trồng các loại cây ăn quả. Với diện tích lớn, HTX đã thuê riêng một cán bộ KH-KT để theo dõi, hướng dẫn người dân trồng theo quy trình VietGAP (quy trình sản xuất nông nghiệp tốt). Nhờ vậy, người dân nơi đây đã chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ hiệu quả của việc áp dụng quy trình VietGAP, thời gian qua, người dân tỉnh Sơn La đã tự nguyện ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất của mình. Tiêu biểu như tháng 8/2015, lần đầu tiên, Công ty TNHH Trà Thu Đan ở huyện Thuận Châu (Sơn La) áp dụng hệ thống tưới ẩm theo công nghệ Israel với quy mô 7,5ha chè, mức đầu tư 712,5 triệu đồng (bình quân 95 triệu đồng/ha). Sau đó, công nghệ này, nhanh chóng được người dân áp dụng. Đến nay, đã có 114 doanh nghiệp, HTX và cá nhân áp dụng cho 499,02ha cây trồng trên toàn tỉnh.
Chú trọng chính sách chuyển giao KH-KT
Chia sẻ về chính sách chuyển giao quy trình KH-KT cho đồng bào DTTS, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm bằng các việc làm cụ thể. Trên thực tế, tỉnh đã khảo nghiệm và đưa vào sản xuất đồng bộ giống cây trồng có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, chất lượng cho 4 giống mía, 7 giống ngô và 17 giống cây ăn quả.
Trong những năm qua, tỉnh Sơn La tích cực hướng dẫn vận động, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 HTX doanh nghiệp, cá nhân xây dựng gần 50ha hệ thống sản xuất này.
Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng hỗ trợ duy trì phát triển 68 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn. Từ đó, tạo cơ hội cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Để phát huy hơn nữa việc ứng dụng KH-KT cho ngành Nông nghiệp bà Phong nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH-KT và công nghệ, phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia áp dụng các nghiên cứu khoa học công nghệ này vào sản xuất.
Ngoài ra, các HTX, hộ gia đình cần chủ động trong việc tiếp thu, hợp tác chuyển giao KH-KT với các tổ chức, trung tâm nghiên cứu và phát triển KH-KT và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp trong cả nước và ở nước ngoài.