Để kéo dần khoảng cách phát triển với các địa bàn khác thì các xã vùng DTTS và miền núi phải vận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng trên hết, các xã phải tận dụng được yếu tố nội sinh, đó là những tiềm năng, thế mạnh cùng với kinh nghiệm sản xuất truyền thống của đồng bào các dân tộc mà các địa bàn khác không có. Trong đó, trọng tâm là các sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế nông, lâm nghiệp đặc thù.
Vấn đề đặt ra là, tất cả các xã vùng DTTS và miền núi đều có lợi thế về sản xuất nông, lâm nghiệp như nhau thì làm thế nào để hình thành được “mỗi xã một sản phẩm”? Câu trả lời là ở quy trình thực hiện OCOP, đó là một hành trình bền bỉ, liên tục để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm.
Lấy gà Tiên Yên (Quảng Ninh) là ví dụ. Đây là giống thuần chủng địa phương, thời gian nuôi dài, cách thức nuôi tự nhiên, ưa vận động, nên thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Trước đây, sản lượng rất thấp, chỉ đến khi chúng trở thành sản phẩm OCOP mới trở nên phổ biến, trở thành hàng hóa, được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.
Việc đưa gà Tiên Yên vào danh mục sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh không hề dễ dàng. Không nhiều người biết rằng, để nhân đàn gà Tiên Yên, người nuôi đã phải làm nhiều phương pháp, bao gồm cả phương pháp “không tưởng” là thụ tinh nhân tạo. Thịt gà Tiên Yên được chế biến thành nhiều món ăn với hình thức, mẫu mã khác nhau…
Không ngừng sáng tạo là cách để “nâng sao” cho gà Tiên Yên khi chính quyền và người dân đã thực hiện đeo nhẫn điện tử để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Ngoài ra, để quảng bá thương hiệu, tháng 10/2018, tỉnh Quảng Ninh và huyện Tiên Yên đã tổ chức một lễ hội ẩm thực dành cho sản phẩm gà Tiên Yên. Hiện gà Tiên Yên đã được cấp chứng nhận “4 sao”, qua đó đưa lại giá bán từ 150-250 nghìn đồng/kg, cao gấp 2-3 lần so với gà thông thường.
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)
KHÁNH THƯ