Già làng Mấu Hồng Thái (81 tuổi, dân tộc Raglai) ở xã Sơn Hiệp, là Người có uy tín ở huyện miền núi Khánh Sơn. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân đã tham gia 2 cuộc kháng chiến và đã có hơn 50 năm tuổi Đảng. Đất nước hòa bình, ông và gia đình mạnh dạn đi đầu trong lao động sản xuất để đồng bào DTTS noi theo.
Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng ông và vợ vẫn cần mẫn chăm sóc bưởi da xanh, chuối, mía tím trên diện tích đất gần 5ha, hàng năm cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Bằng uy tín của mình, ông Thái đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào ở địa phương tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang.
Hiện ông còn là một trong những nghệ nhân hiếm hoi, còn chế tác và sử dụng đàn Chapi; thường xuyên đan lát, làm nỏ, gùi như một cách gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Tương tự, ông Cao Thiên (71 tuổi, người Raglai), với nhiều năm kinh nghiệm khi giữ chức Chủ tịch UBND xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh), khi về hưu, ông được bầu chọn là Người có uy tín của xã. Ông đã vận động nhiều người dân trong thôn hiến đất làm đường; hòa giải các mâu thuẫn của người dân; động viên các gia đình cho con đến trường.
Ông còn là một trong số ít người lớn tuổi biết đan gùi, bắn nỏ, đặc biệt là sử dụng thành thạo nhạc cụ mã la. Tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn lên rẫy chăm sóc hàng trăm cây điều, keo; nuôi gà, heo… cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm.
Còn ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh), già làng Mà Giá A, dân tộc T’rin (một nhánh của dân tộc Cơ Ho), được mọi người biết đến, là tấm gương trong việc phát triển kinh tế và lưu giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Hơn 10 năm nay, già Mà Giá A đã bỏ nhiều công sức để biến khu rẫy hoang sơ của mình thành một khu du lịch sinh thái mang tên Mà Giá, thu hút nhiều du khách đến thăm quan. Sự mạnh dạn làm ăn kinh tế của già đã thay đổi nếp nghĩ của nhiều người dân, giúp họ vượt qua mặc cảm, không trông chờ, ỷ lại mà tự nỗ lực vươn lên, thoát khỏi đói nghèo...
Ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Những Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, không chỉ là lực lượng nòng cốt, có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác “Dân vận khéo”, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chính sách dân tộc... Họ còn vận động đồng bào yên tâm lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào, từ đó phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương động viên đồng bào tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín, tỉnh Khánh Hòa đã tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức chung về các vấn đề dân tộc, các kỹ năng tuyên truyền, hòa giải, vận động quần chúng; tổ chức các buổi giao lưu, tham quan, học tập tại các tỉnh bạn…, Theo đó, năm 2020, tỉnh đã chi hơn 1 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với Người có uy tín, giúp họ có thêm động lực để giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình.