Làng nghề hơn 200 nămTheo lời kể của các bậc cao niên nơi đây, làng đúc đồng ở Sài Gòn ban đầu có mặt ở khu Chợ Quán, Phú Lâm vào đầu thế kỷ 19. Sau đó, được ông Trần Văn Kỉnh (người dân hay gọi là Năm Kỉnh) sang các lò học nghề. Đến khi thạo việc, ông quay lại khu Gò Vấp để mở xưởng hoạt động.
Mang nghề mới về làng, ban đầu ông Năm Kỉnh chỉ nhận dạy và truyền nghề cho các con cháu trong dòng họ. Nghề đúc đồng An Hội ra đời và trở thành địa chỉ sản xuất lư đồng bậc nhất tại đất Sài Gòn-Gia Định xưa. Thời gian sau, ông Trần Văn Thắng (Hai Thắng), một trong những học trò xuất sắc của ông Năm Kỉnh, muốn phát triển hơn nghề này nên đã truyền dạy cho con em trong vùng.
Ông Hai Thắng kể, trước năm 1975, là thời điểm làng nghề phát triển nhất, cả làng có đến 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân làm nghề. Lúc này, ở khu vực Chợ Lớn-Gia Định, đã hình thành các khu bán hàng thủ công và rất nhiều sản phẩm đúc đồng từ nồi, niêu, xoong, chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn. Sản phẩm đúc đồng An Hội lúc bấy giờ không chỉ có mặt khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, mà còn sang tận các nước trong khu vực…
Tuy nhiên, hiện nay, làng chỉ còn 5 lò đang hoạt động là: Hai Thắng, Ba Cồ, Năm Toàn, Sáu Bảnh và Út Kiển.
Giữ lại nét Sài Gòn xưa…
Bà Phạm Thị Liên, chủ lò đúc đồng Ba Cồ cho biết: Những năm 1974, 1975, khi bà về làm dâu làng nghề An Hội, cả làng có đến khoảng 50 đến 60 hộ làm nghề đúc đồng truyền thống. Ngày đó, từ 5 giờ sáng đã nghe tiếng búa đập, tiếng máy rèn vang khắp cả làng. Người lớn, trẻ con ai cũng bám riết lấy nghề. Vậy mà theo thời gian, nghề cũng mai một đi nhiều.
Theo bà Liên, lý do người làng không làm nghề này nữa là vì nghề lao động cực nhọc, cần nhiều nhân lực và mặt bằng rộng rãi, sản phẩm bán ra ngày càng khó. Nếu sở hữu mảnh đất hàng trăm mét vuông giữa thành phố đông đúc và đắt đỏ như Sài Gòn, người ta có thể xây nhà cho thuê hoặc kinh doanh kiếm lời sẽ dễ dàng hơn.
“Cha chồng tôi đặt hết tâm huyết vào nghề này. Chồng tôi cũng đã mất, tôi có trách nhiệm phải giữ nghề truyền thống cho bằng được. Còn người mua lư đồng là tôi còn làm, còn truyền nghề cho con cháu”, bà Liên quả quyết.
Còn chị Thu Sương, con gái ông Hai Thắng cho biết, trung bình mỗi năm cơ sở đúc đồng Hai Thắng xuất đi hơn 2.000 bộ lư đồng các loại, riêng 2 tháng cuối năm phải hoàn thiện từ 400-500 bộ. Từ đầu tháng Chạp, các cơ sở phải làm việc gấp đôi để đáp ứng nguồn hàng Tết. Tùy thuộc vào chất lượng đồng, những bộ lư thủ công này có giá từ 5-12 triệu đồng. Tại cơ sở Hai Thắng, hiện có hơn 10 thợ làm với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Đặc trưng của công việc đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người từ bỏ nghề. Vì cùng một khoảng thời gian đó, họ làm công việc khác dễ dàng hơn, thu nhập lại cao hơn.
Một thách thức không nhỏ khác với nghệ nhân làng nghề, là mấy năm gần đây, thị trường có sự góp mặt của lư đồng được sản xuất công nghiệp với hình dáng và họa tiết bắt mắt, giá cả ưu đãi hơn. Do đó, không khí nhộn nhịp, tất bật của làng nghề đã dần mất đi. Nhưng theo các nghệ nhân, để giữ lại cái nghề của cha ông truyền lại, họ vẫn bám trụ và tiếp tục truyền lửa lại cho các con cháu, góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa.
NHƯ Ý