Hiện nay, dịch sốt xuất huyết tại Gia Lai đã bùng phát ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với số ca mắc tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2021 với 112 ổ dịch, 308 ca bệnh, ghi nhận 1 trường hợp đã tử vong.
Bệnh nhân Nguyễn Hải Anh (12 tuổi, huyện Ia Grai, Gia Lai) mắc sốt xuất huyết trong tình trạng chuyển biến nặng, đau bụng, nôn ói, huyết áp giảm vừa được chuyển tuyến từ Trung tâm Y tế huyện Ia Grai vào Khoa hồi sức tích cực và chống độc - Bệnh viện Nhi Gia Lai. Chị Lê Thị Duyên, mẹ của bệnh nhân cho biết: Sau khi thấy con mình có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, sốt cao tôi đã đưa con vào Trung tâm Y tế huyện để theo dõi. Sau khoảng 2 ngày thì tình trạng cháu chuyển nặng và được chuyển ngay tới bệnh viện tuyến trên để cấp cứu.
Bác sĩ Trần Thế Phương- Bác sĩ Chuyên khoa I, Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 46 ca mắc sốt xuất huyết. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hải Anh là do gia đình không kịp thời phát hiện, khi đến viện bệnh đã trở nặng và có diễn biến xấu.
“Bé nhập viện trong với biểu hiện sốt cao liên tục kèm với nôn ói, có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa. Thể trạng của bé khá mệt, lừ đừ, có dấu hiệu tổn thương vùng gan. Hiện tại, các bác sĩ và nhân viên y tế đã kịp thời chẩn đoán và điều trị cho bé bằng cách truyền dịch. Hiện tại bé đang được điều trị tích cực với dịch chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế”.
Tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, theo thống kê 1 tháng nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (phường Trà Bá, thành phố Pleiku) đang chăm sóc con bị sốt xuất huyết cho biết: “Bé ở nhà sốt cao hai ngày không đỡ nên gia đình đưa cháu đi xét nghiệm và được chuẩn đoán mắc sốt xuất huyết, qua một tuần điều trị, tình hình của cháu hiện đã khả quan hơn.
Theo nhận định của ngành Y tế tỉnh Gia Lai, các ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh từ tháng 5 và kéo dài đến nay. Nguyên nhân do thời điểm này là cao điểm mùa mưa, mưa nhiều kết hợp với nắng đan xen là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sinh sôi, phát triển. Chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue khoảng từ 3 năm đến 5 năm sẽ có một năm bùng phát dịch. Theo chu kỳ trên thì khả năng năm 2022 nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ cao, và có diễn biến hết sức phức tạp.
Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với bệnh sốt xuất huyết thì có tổng cộng 4 type (loại, kiểu, mẫu), trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có 3 type lưu hành. Khó khăn nhất là người mắc type này rồi vẫn có thể mắc type khác, nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong trong thời gian tới có diễn biến rất phức tạp. Hiện nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 112 ổ dịch, hiện còn 40 ổ dịch đang hoạt động và các ca bệnh trải đều trên địa bàn tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành y tế của tỉnh Gia Lai đã và đang rất nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát và phòng ngừa dịch sốt xuất huyết trên diện rộng như tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh như phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức tốt việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân để giảm thiểu các ca mắc sốt xuất huyết trong cộng đồng…
“Sở Y tế đã triển khai công tác tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết, để nâng cao nhận thức và để người dân thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, không có ao tù, nước đọng, không có loăng quăng bọ gậy, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ… Đối với công tác y tế dự phòng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các khối y tế dự phòng phải giám sát, chủ động, điều tra mật độ muỗi, loăng quăng, bọ gậy trong nhà để kịp thời phát hiện yếu tố nguy cơ để có biện pháp xử lý theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư để đảm bảo kịp thời xử lý cấp cứu cho người dân”, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết thêm.