Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra tiếp tục tăng trưởng cao tại nhiều thị trường nhờ nhu cầu tăng và giá xuất khẩu tốt. Trong tháng 4, xuất khẩu cá tra tăng gấp hơn 2 lần so với tháng 3, đạt 297 triệu USD, theo đó luỹ kế 4 tháng qua, ngành cá tra thu về nguồn ngoại tệ hơn 950 triệu USD, tăng 94%.
Thị trường Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm nay.
Tại thị trường Mỹ, nguyên nhân là sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao. Thêm vào đó, kết quả đánh giá thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng.
Cùng với đó, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh là những yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá.
Về thị trường Trung Quốc, chính sách Zero COVID khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này gặp nhiều ách tắc khi nhiều cảng lớn bị đóng cửa và việc kiểm tra COVID trên hàng đông lạnh ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, do nhiều nhà máy tại Trung Quốc bị đóng cửa, sản xuất bị đình trệ, nên thị trường này cũng thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc gia tăng thu hút nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trong 4 tháng qua, xuất khẩu thuỷ sản sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều thị trường khác đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số . Tuy nhiên, theo nhận định của Vasep, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm trọng lực chính, quyết định tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong những tháng tới. Dự báo xuất khẩu thuỷ sản quý II sẽ đạt 2,8 – 3 tỷ USD, tăng khoảng 36-38% so với cùng kỳ năm 2021.