Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Tờ trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; trong đó, cơ quan này dự kiến khoảng 230.000 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ vốn để làm nhà ở.
Để góp phần giải quyết nhu cầu hỗ trợ nhà ở khu vực nông thôn còn rất lớn hiện nay, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, hiện đã có 2 chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khó khăn là: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, phạm vi triển khai thực hiện của hai chương trình mục tiêu trên không bao phủ khắp cả nước mà chỉ thực hiện hỗ trợ đối với hộ nghèo là quốc gia vùng dân tộc, vùng miền núi và tại các huyện nghèo.
Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp các văn bản báo cáo tổng kết của các địa phương cũng như tại các cuộc họp Quốc hội, cử tri, vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với các hộ nghèo khu vực nông thôn trong giai đoạn 2021-2025.
Vì thế, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu và cải thiện chất lượng nhà ở ngày một tốt hơn cho các tầng lớp dân cư trong xã hội cũng như nâng cao mức sống cho các hộ nghèo vùng nông thôn.
Về nguyên tắc hỗ trợ, đại diện Bộ Xây dựng cho biết chương trình sẽ hỗ trợ đến từng hộ gia đình; bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của nhà nước; phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương; góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, việc hỗ trợ được xếp theo thứ tự ưu tiên: Hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); hộ gia đình có thành viên là đối tượng bảo trợ xã hội; hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn và các hộ gia đình còn lại.
Vốn hỗ trợ trực tiếp cho mỗi hộ gia đình khó khăn sẽ do ngân sách trung ương cấp, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; vốn vay ưu đãi tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn vay do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.
Ngoài ra, vốn hỗ trợ còn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp vận động từ cộng đồng và từ các doanh nghiệp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng phối hợp vận động các doanh nghiệp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và hỗ trợ cho Chương trình; vốn của hộ gia đình được huy động từ gia đình, dòng họ; vốn lồng ghép từ các chương trình, mục tiêu khác.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tại các địa phương do có đặc điểm, địa hình, khí hậu… khác nhau nên bảng giá xây dựng mới các loại nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất sẽ do địa phương quy định để phù hợp với đặc thù của mình.
Theo đó, đối với nhà 1 tầng, tại các địa phương sẽ có bảng giá khác nhau. Ví dụ, tại Cần Thơ khoảng 2,6 triệu đồng/m2; Thái Bình khoảng 2,4 triệu đồng/m2; Hà Nội khoảng 2,5 triệu đồng/m2; Vĩnh Long khoảng 2,7 triệu đồng/m2; Bình Định khoảng 3,1 triệu đồng/m2; An Giang khoảng 3,5 triệu đồng/m2...
Do vậy, để đảm bảo ngôi nhà sau khi được hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích tối thiểu 30m2 với tiêu chí 3 cứng và đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc, Bộ Xây dựng dự kiến giá thành xây dựng một căn nhà 1 tầng trong giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 85 triệu đồng/căn.
Theo đó, Bộ Xây dựng dự kiến nguồn vốn để thực hiện chương trình là 19.550 tỷ đồng. Trong số đó, vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cho hộ nghèo xây dựng nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; vốn cho vay ưu đãi 25 triệu đồng/hộ, trong đó vốn ngân sách Trung ương cấp 50% cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi, 50% còn lại Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác hoặc gia đình tự bỏ thêm kinh phí là 20 triệu đồng/hộ.
Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2) và “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên./.