Diễn biến phức tạp
Ma túy để lại nhiều hậu quả nặng nề, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Mặc dù khung hình phạt của luật pháp đối với tội phạm ma túy rất nghiêm khắc, nhưng trước các khoản siêu lợi nhuận mà ma túy đem lại, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp, bất chấp mạng sống để tham gia vào việc buôn bán “cái chết trắng”.
Trong năm 2019, lực lượng chức năng đã triệt phá 3.005 vụ, bắt giữ 3.901 đối tượng, trong đó có 46 người DTTS, thu giữ 78kg heroin, 90 bánh heroin, 1.424kg ma túy đá, 29.272 viên ma túy tổng hợp. Những con số trên cũng cho thấy, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, chất gây nghiện ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là các khu vực biên giới, vùng đồng bào DTTS với những thủ đoạn, phương thức mới.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an cho biết, lý do khách quan của tình trạng này là Việt Nam có biên giới dài (đường bộ 4.653,5km, đường biển 3.260km) là biên giới mở; Nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc và thường xuyên qua lại biên giới thăm thân, trao đổi hàng hóa.
Hầu hết khu vực biên giới đều là địa bàn khó khăn. Biên giới tuyến đất liền là núi cao, rừng sâu, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, rất thuận lợi cho việc tập kết và mua bán, vận chuyển ma túy vào nước ta; đồng thời rất khó khăn cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy.
Nhiều thủ đoạn buônbán ma tuý tinh vi
Theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP, hiện nay, tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động rất tinh vi với nhiều phương thức khác nhau. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ mưu cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy rất ranh ma, xảo quyệt. Ông “trùm” của các đường dây này rất ít khi lộ diện hoặc trực tiếp đi giao, nhận hàng. Những đối tượng ở khu vực biên giới chủ yếu là “tay chân” nên việc phát hiện rất khó khăn.
Nói về giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán ma túy ở khu vực biên giới vùng đồng bào DTTS, ông Cảnh cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền mạnh về tác hại của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần; hướng dẫn kỹ năng tự phòng tránh cho mọi người, đặc biệt là bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên để tránh xa ma túy, không bị lôi kéo sử dụng ma túy.
Các địa phương cần tích cực thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng, tích cực học tập, lao động, tránh xa ma túy, ổn định đời sống.
Tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động rất tinh vi với nhiều phương thức khác nhau. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ mưu cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy rất ranh ma, xảo quyệt. Ông “trùm” của các đường dây này rất ít khi lộ diện hoặc trực tiếp đi giao, nhận hàng. “
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh BĐBP