Tại Yên Bái, thị trường hàng hóa cuối năm, sức mua thường tăng hơn từ 15 - 20% và cùng với đó, giá cả có nhiều biến động và thường tăng giá.
Ông Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Thực hiện Chỉ thị 12 của Bộ Công Thương để bảo đảm cân đối hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Sở đã có văn bản phối hợp với các cơ quan liên quan và chỉ đạo các địa phương vận động các doanh nghiệp trên địa bàn bình ổn thị trường hàng hóa vào dịp cuối năm.
Còn tại Lạng Sơn, UBND tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại, bình ổn giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của tỉnh cho các đơn vị tham gia Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tạm ứng với lãi suất ưu đãi 0% để triển khai thực hiện.
Việc kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý.