Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có gần 260.000 người DTTS, UBND tỉnh công nhận 523 Người có uy tín ở 457 thôn, bản thuộc 78 xã tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.
Trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu vui mừng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng; đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất giải pháp phát triển vùng DTTS, thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Vi Thanh Quyền - Trưởng ban Dân tộc tỉnh thông tin, giai đoạn 2021 - 2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, trong đó ngân sách trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã, nguồn vốn khác. Về chính sách đối với Người có uy tín, tỉnh cũng dành hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng, nâng cao chất lượng Người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ này. Do đó, trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm cho Người có uy tín.
Về đề xuất công nhận Người có uy tín tại các thôn có từ 15% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, ông đề nghị các địa phương căn cứ vào nhu cầu, tình hình thực tế để lựa chọn, đề xuất để Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh công nhận Người có uy tín trong cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Công Thắng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Để tạo phong trào thi đua sôi nổi, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Người có uy tín cần phát huy vai trò, đi đầu trong mọi phong trào, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống... để đồng bào học tập, làm theo, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng, miền.