Thế nhưng, nạn phá rừng vẫn chưa được kiểm soát, mà ngày càng hoành hành với các thủ đoạn tinh vi. Mới đây, tại thôn Yên Sơn 1 và Yên Sơn 2, xã Thành Yên, nhiều cây gỗ quý với đường kính 2m thân thẳng tắp dài cả hơn chục mét đã bị chặt hạ. Một số cây bị xẻ mang đi chỉ còn lại những tấm bìa, mùn cưa ở lại. Trong đó, có những cây được đánh dấu sơn đỏ, dấu kiểm lâm tháng 3-4/2018.
Theo như người dẫn đường cho chúng tôi cho hay, thì những cây gỗ bị đốn hạ đều là gỗ quý như: côm nhai, táu mật, muồng…; đặc biệt, thủ đoạn của lâm tặc ngày càng tinh vi. Để đánh lừa các ngành chức năng, tránh sự nhòm ngó của người dân, lâm tặc không đốn hạ tập trung ở bìa rừng mà vào sâu bên trong vùng lõi của Vườn quốc gia (VQG). Sau khi đã chặt hạ xong, các đối tượng này thận trọng nghe ngóng tình hình, chờ đợi thời cơ rồi mới quay trở lại cưa xẻ thành từng tấm để dễ dàng vận chuyển.
Ngoài tình trạng đốn hạ những cây gỗ quý trong rừng, thời gian gần đây, cũng tại khu vực vùng lõi VQG Cúc Phương tiếp tục xảy ra tình trạng khai thác gốc cây chè rừng để làm cảnh. Điển hình như khi đến khu vực Thung Lắn, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, chúng tôi phát hiện khoảng hơn 20 gốc cây chè rừng, với nhiều năm tuổi đã bị đào lấy đi phần gốc. Một người dân trong vùng cho hay, mỗi gốc chè bán tại cửa rừng có giá là 500.000 đồng.
Trước thực trạng rừng đang bị tàn phá, nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Đinh Văn Thọ, Trạm trưởng Trạm số 3 (VQG Cúc Phương) lại cho rằng: Tình hình an ninh rừng ở khu đây không có gì lớn lắm.
Tuy nhiên, chính ông Đinh Văn Thọ cũng thừa nhận, chúng tôi mới đi kiểm tra ở Thung Lắn có phát hiện 2 cây chò Nhai và cây dẻ bị chặt hạ, ngoài ra có một số cây chè rừng đã đào gốc mang đi. Những cây bị đốn hạ chúng tôi cũng đã đánh dấu sơn kiểm tra và báo cáo về lãnh đạo Vườn. Do diện tích rừng phải quản lý quá rộng nên không thể kiểm soát hết được.
Còn ông Đinh Văn Công, Bí thư xã Thành Yên thì phân trần, tình trạng khai thác rừng trái phép ở VQG Cúc Phương đã giảm nhiều. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lén lút vào khai thác các cây gỗ đem về sử dụng. Trong những tháng vừa qua, cán bộ Kiểm lâm của VQG Cúc Phương cũng đã đi kiểm tra và có thông tin về xã.
Theo ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Thạch Thành, giữa hai đơn vị có quy chế phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau cũng như thông tin về việc kiểm tra, phát hiện phá rừng tại Vườn. Hạt sẽ kiểm tra lại cụ thể những vấn đề này. Thời gian qua, Hạt cũng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo và yêu cầu VQG Cúc Phương tăng cường kiểm tra và tổ chức họp dân vận động tuyên truyền tố giác tội phạm khi có vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Để xảy ra phá rừng, trước hết thuộc trách nhiệm của Kiểm lâm VQG Cúc Phương.
Được biết, Trạm Kiểm lâm số 03 tại thôn Thành Trung có 4 cán bộ; Trạm Kiểm lâm số 12 thôn Thành Tân có 3 cán bộ. Cả 2 trạm đều trực thuộc quản lý trực tiếp của Hạt Kiểm lâm VQG Cúc Phương. Ngoài ra, có 2 Đội Kiểm lâm cơ động, với 11 cán bộ được trang bị bán vũ trang có súng yểm trợ, sẵn sàng có mặt ở những địa bàn cao điểm khi có thông báo lâm tặc phá rừng. Thế nhưng nạn phá rừng ở vùng lõi VQG Cúc Phương vẫn diễn ra?
Việc VQG Cúc Phương nhiều năm liên tục bị khai thác trái phép đang diễn ra thời gian qua, nhưng các Trạm Kiểm lâm của Vườn vẫn cho rằng, an ninh rừng ở khu đây không có gì lớn lắm. Thiết nghĩ, các cán bộ chính quyền địa phương, cơ quan liên quan cần phải xem xét lại trách nhiệm về công tác quản lý bảo vệ rừng, để có hành động quyết liệt trong quản lý, bảo vệ trước nguy cơ mất rừng đang hiện hữu.
QUỲNH TRÂM