Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Phúc được áp dụng trên nhiều lĩnh vực và đang trở thành phong trào của nhiều HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì thế, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với những mảnh ruộng nhỏ, manh mún đã trở nên xa dần, thay vào đó là hình ảnh những cánh đồng công nghệ cao được hình thành ngày càng nhiều. Theo đó, người nông dân cũng đã áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa... nhằm tối ưu hoá quy trình sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Tiêu biểu như mô hình của HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là mô hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả khá tích cực. Theo đó, HTX đã ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất, như: Thành viên HTX có thể tra cứu trên điện thoại tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ thay vì phải ghi chép như trước đây… Nhờ đó, không những việc quản lý vật tư đầu vào, quy trình giám sát sản xuất mà năng suất cũng như chất lượng sản phẩm của HTX cũng được nâng lên rõ rệt.
Theo bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết, HTX áp dụng phần mềm quản lý từ năm 2018. Nhờ hiệu quả của phầm mềm này mà sản lượng rau của HTX hằng tháng đều tăng 5 - 10% so với trước đây.
Hay đối với HTX Nông nghiệp An Phước (huyện Tam Dương) cũng đi theo cách riêng của mình, đó là sản xuất rau trong nhà lưới. Việc trồng rau trong nhà lưới tạo điều kiện cho HTX chủ động được kế hoạch sản xuất mà không lệ thuộc vào thời tiết. Đặc biệt, mô hình nhà lưới của HTX có chi phí xây dựng khá thấp, khoảng 100 triệu đồng/ha. Với 4ha đất, rau vừa sản xuất trong nhà lưới, vừa sản xuất ngoài trời đã mang lại nguồn thu từ 320 - 400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc, vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ trồng cây dược liệu và cơ sở chế biến.
Từ 2016 đến hết năm 2019, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 1.668 máy nông nghiệp cho các hộ nông dân, với tổng kinh phí hơn 32,5 tỷ đồng. Riêng năm 2019, Vĩnh Phúc đầu tư hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp, chủ yếu là máy vắt sữa bò, máy thái cỏ; máy nghiền, trộn thức ăn chăn nuôi lợn, gà; máy làm đất với tổng số 628 máy, hiện đang triển khai ở các địa phương. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 1.329 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 25 doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm và 1.304 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ lẻ. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất trồng lúa đạt hơn 90%, trong thu hoạch lúa đạt hơn 70%.
Được biết, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân, đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô…