Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất lên các huyện vùng cao Tây Trà, Trà Bồng, Quảng Ngãi, chúng tôi thật sự ngất ngây với âm thanh của tiếng kèn Amáp. Những bản làng người Cor rộn vang tiếng nói cười, tiếng chiêng và tiềng kèn. Bà Hồ Thị Bảy ở xã Trà Phong, Tây Trà, nghệ nhân thổi kèn hay nhất huyện nói với chúng tôi: “Tiếng kèn Amáp là tiếng lòng của người phụ nữ Cor. Do đó những người phụ nữ Cor như mẹ, dẫu cuộc sống còn khó khăn nhưng không bao giờ quên kèn A máp”. Chính vì suy nghĩ như vậy, cho nên hơn 70 năm qua, bà Bảy luôn xem chiếc kèn là người bạn tâm tình gần gũi với mình. Hằng ngày sau những giờ lao động mệt nhọc trên nương rẫy, chiều chiều nghệ nhân Bảy thường đem kèn amáp ra thổi cho vui. Tiếng kèn réo gọi lũ trẻ và phụ nữ trong làng tụ họp đông vui ở nhà mí Bảy.
Nghệ nhân Bảy tâm sự: Chiếc kèn Amáp được làm từ cây dương sỉ, âm thanh của kèn khi mình thổi lên lũ trẻ trong làng không biết nhưng hầu như các bà, các chị đều biết mình muốn giãi bày tâm sự điều gì. Hồi những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tiếng kèn là lời động viên chị em phụ nữ Cor tham gia kháng chiến, vận chuyển đạn dược, lương thực, nuôi quân đánh giặc, còn bây giờ đất nước thanh bình tiếng kèn thổi lên động viên chị em hăng hái lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Hơn 70 năm qua bà vẫn âm thầm lặng lẽ thổi kèn Amáp. Thông qua tiếng kèn của bà người phụ nữ Cor ở khắp các bản làng miền Tây Quảng Ngãi càng hiểu thêm công ơn trời biển của Đảng, Bác Hồ đối với đồng bào Cor.
Chạy đua với thời gian, với tuổi tác và bệnh tật hiện nay hằng ngày nghệ nhân Hồ Thì Bảy luôn dành thời gian dạy thổi amáp cho phụ nữ Cor và lũ trẻ trong làng. Bà dạy miễn phí không nhận của ai đồng tiền nào. Thấy bà chỉ dạy nhiệt tình nhiều trẻ con và phụ nữ trong làng đã dành thời gian theo học thổi kèn. Lúc đầu nhiều người không thích nhưng nhờ sự nhiệt tình chỉ dạy cái hay cái đẹp của kèn Amáp và động viên của mí Bảy nên lớp học mỗi ngày một đông.
Rời Tây Trà chúng tôi về làng Thôn Nguyên, Trà Hiệp, Trà Bồng. Nơi đây hiện chỉ còn vài phụ nữ thổi được kèn Amáp. Trong đó người phụ nữ thổi hay và hấp dẫn nhất là bà Hồ Thị Dé. Năm nay bà Dé cũng đã ngoài 60 tuổi. Bà cho biết dịp Tết Mậu Tuất, nhà bà khách đến đông vui. Ai đến thăm nhà bà cũng yêu cầu được nghe bà thổi kèn Amáp. Bà cho biết chiếc kèn Amáp rất nhỏ, do đó muốn thổi hay, mình phải biết sử dụng tay bịt, nhả hơi. Và hôm nào người khỏe thì thổi càng hay còn người mệt mỏi thì thổi yếu đi.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho tôi biết thêm: “Ba năm qua, trong đề án bảo tồn văn hóa của dân tộc Cor, huyện chú trọng đặc biệt đến nghệ thuật thổi kèn Amáp. Huyện mời các nghệ nhân mở các lớp hướng dẫn cho chị em cách thổi. Nhờ cách làm này hiện nay toàn huyện đã có hàng chục phụ nữ thổi được kèn Amáp”.
Từ mùa Xuân này, cùng với nghệ thuật đấu chiêng, tiếng kèn Amáp sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo của người Cor, níu chân du khách gần xa khi đến thăm vùng đất quế Trà Bồng, Tây Trà Quảng Ngãi.
TRẦN ĐÌNH QUANG