Theo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu, từ năm 2016-2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ 53.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí hơn 86 tỷ đồng; hỗ trợ trên 72.000 lượt hộ nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ trên 296 nghìn lượt ha rừng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ khai hoang 32,3ha đất; nhân rộng 22 mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố,… Ngoài ra, có 36.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Anh Vàng Văn Quyết, dân tộc Thái, từng là hộ nghèo của bản Giẳng, xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn). Được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ vốn mua trâu giống, xây chuồng chăn nuôi, tham gia các lớp dạy nghề chăn nuôi ngắn hạn tại địa phương do tỉnh tổ chức. Nhờ đó, cuối năm 2017 gia đình anh Quyết đã thoát nghèo.
Cũng như anh Quyết, anh Cứ A Lòng (1976), dân tộc Mông, ở bản Lao Chải 1, xã Khun Há (Tam Đường) từng là hộ nghèo. Năm 2016, anh Lòng được hỗ trợ vay vốn mua đàn gà 50 con và một máy cày bừa. Anh Cứ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có mức thu nhập chỉ 4 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, mức thu nhập đã lên 18-19 triệu đồng/người/năm. Gia đình tôi đã thoát nghèo vào cuối năm 2017”, anh Cứ A Lòng phấn khởi.
Cũng như gia đình anh Quyết, anh Lòng, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua đã được hỗ trợ phát triển kinh tế theo các chính sách được quy định trong Nghị quyết 02-NQ/TU. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh Lai Châu trong 3 năm qua rất khả quan, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.
Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, UBND tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực đầu tư cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và các xã biên giới, đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện giảm nghèo. Ngoài nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh cũng huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân, tập đoàn, doanh nghiệp,… để thực hiện công tác giảm nghèo.
Theo ông Tính, một điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TƯ của tỉnh là quan tâm giải quyết việc làm cho lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, tỉnh chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động vùng DTTS với hình thức tăng cường liên kết giữa các đơn vị, tổ chức đào tạo nhiều ngành nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, hàn điện dân dụng,… Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn để giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Đến tháng 12/2018, tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động, xuất khẩu 276 lao động.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn cao là do người dân thiếu đất và phương tiện sản xuất. Do đó tỉnh rất chú trọng đến công tác giải quyết việc làm, từ đó giúp bà con thoát nghèo bền vững”, ông Tính cho biết.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cũng quan tâm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường… ở các huyện, xã, bản ĐBKK, tạo nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như năm 2016, tỉnh có đến 6/8 huyện, thành phố thuộc huyện nghèo 30a; 75 xã và 617 bản ĐBKK thì hiện đã có 2 huyện (Tân Uyên và Than Uyên) thoát khỏi huyện nghèo, 13 xã ra khỏi tình trạng ĐBKK. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 96/96 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 1.030/1.169 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi; 92% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã được cung cấp nội dung thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đồng thời, củng cố tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn của tỉnh.
HOÀI DƯƠNG