Dự án này triển khai từ năm 2013, đến nay đã có 210 bác sĩ trẻ được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong đó, có 14 bác sĩ trẻ đã hoàn thành khoá đào tạo này và đã về các địa phương khó khăn công tác.
31 bác sĩ trẻ được đào tạo Chuyên khoa cấp I lần này ở 10 chuyên ngành khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Ngoại, Nhi, Nội, Răng hàm mặt, Hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, Truyền nhiễm và Sản tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.
PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: Các bác sĩ trong Dự án đang được Trường đào tạo theo phương án "cầm tay chỉ việc", một thầy một trò, rất hiệu quả. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong cả nước hiện nay.
PGS. Hinh cũng dặn dò các bác sĩ trẻ, được theo học trong Dự án là cơ may cho các bác sĩ trẻ để tạo nguồn lực lớn giúp đỡ bà con. Các bác sĩ trẻ hãy tận dụng cơ hội để có kiến thức.
Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương và 15 huyện khó khăn thuộc 7 tỉnh như: Hà Giang (TTYT Xín Mần, BVĐK KV, TTYT Hoàng Su Phì, BVĐK khu vực Yên Minh, BVĐK, TTYT Quản Bạ, BVĐK Mèo Vạc), Cao Bằng (BVĐK, TTYT Hà Quảng, BVĐK Nguyên Bình, BVĐK, TTYT Thông Nông), Bắc Kạn (TTYT Pắc Nặm), Lạng Sơn (TTYT Bình Gia, TTYT Văn Quan), Lào Cai (BVĐK Mường Khương), Yên Bái (TTYT Trạm Tấu) và Hòa Bình (TTYT Đà Bắc).
Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này đã được Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.
Theo Chính Phủ