Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 151.287.975 ca nhiễm, trong đó có 1.683.977 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 112.573.762 ca nhiễm và 1.335.164 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 94.178.821 ca nhiễm và 1.384.627 ca tử vong; Nam Mỹ có 53.401.251 ca nhiễm và 1.249.409 ca tử vong; châu Phi có 11.449.593 ca nhiễm bệnh và 247.967 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 3.305.416 ca lây nhiễm và 7.476 ca tử vong.
Hết ngày 21/2, châu Âu ghi nhận 582.566 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 2.682 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Nga là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 493.261 ca mắc và 1.788 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và thứ 2 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 42.850.066 ca mắc COVID-19, trong đó 512.371 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh tại Hàn Quốc, ngày 21/2, chính phủ Hàn Quốc thông báo các trường học sẽ được phép áp dụng phương thức học từ xa hoàn toàn trong 2 tuần đầu tiên của học kỳ bắt đầu từ tháng 3 tới. Theo thông báo, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho phép các trường khoảng thời gian từ ngày 2 - 11/3 điều chỉnh hình thức học tập thích ứng với tình hình dịch bệnh, theo đó những trường có nguy cơ lây nhiễm cao có thể linh hoạt rút ngắn thời gian học ở trường hoặc tổ chức học trực tuyến hoàn toàn. Trước đó, đầu tháng 2 này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyến nghị các trường học không chuyển sang học trực tuyến hoàn hoàn nếu chưa đến 3% học sinh dương tính với COVID-19 hoặc chưa đến 15% học sinh phải cách ly vì mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.
Thái Lan cùng ngày đã tiếp tục nâng mức cảnh báo COVID-19 thêm một cấp mới, theo đó yêu cầu người dân hạn chế ăn uống tại nhà hàng và tránh tụ tập đông người để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 18.883 ca mắc mới và 32 ca tử vong. Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân khẩn trương tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là những người trên 60 tuổi hoặc mắc các bệnh nền.
Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các trung tâm y tế trên toàn quốc trong tuần này để chuẩn bị công tác tiêm chủng cho đối tượng là trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi, sớm nhất trong tháng này. Chính phủ Nhật Bản sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Theo kế hoạch, đến tháng 5, Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoảng 12 triệu liều vaccine cho các cơ sở y tế trên toàn quốc để tiêm cho trẻ.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 29.982 ca nhiễm COVID-19 mới và 414 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 80.135.809 ca nhiễm COVID-19, trong đó 960.058 ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ cũng đang xem xét phê duyệt việc tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 vào mùa Thu năm nay. Hiện kế hoạch vẫn đang ở giai đoạn đầu và quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc nghiên cứu đang được thực hiện về việc liệu liều vaccine tăng cường thứ hai có giúp nâng cao khả năng miễn dịch của người được tiêm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc COVID-19 hay không. Theo các chuyên gia, liều tăng cường thứ hai này có thể là khởi đầu của chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 hàng năm tại Mỹ.
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 28.245.551ca nhiễm, trong đó 644.604 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận thêm 6.969 ca nhiễm mới và 283 ca tử vong vì dịch bệnh trong ngày 21/2. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.659.698 ca nhiễm COVID-19, trong đó 98.804 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có thêm 21.274 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 19 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia; Fij; New Caledonia; New Zealand và Palau./.