Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Đề án trên với số vốn gần 57 tỷ đồng. UBND huyện Mường Lát cũng triển khai các chương trình, chính sách giảm nghèo như Chương trình 135, Nghị quyết 30a để ổn định cuộc sống của người dân tại chỗ, hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...
Hiện, trên địa bàn huyện nhiều công trình đường giao thông và các công trình thủy lợi, nước sạch, các điểm trường, nhà văn hóa đã được xây mới để phục vụ đời sống người dân. Đặc biệt, các mô hình, dự án hỗ trợ người dân tộc Khơ-mú phát triển sản xuất được thực hiện có hiệu quả. Điển hình như tại bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, bằng nguồn vốn của Chương trình 135, Nghị quyết 30a và Đề án, trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND thị trấn Mường Lát đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ 163 hộ dân tộc Khơ-mú phát triển kinh tế; đồng thời làm đường giao thông, hỗ trợ người dân xây dựng nhà. Qua đó nhiều hộ đã có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt Đề án để góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực hiện việc hỗ trợ người dân tộc Khơ-mú di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân khai hoang đất làm ruộng nước, thực hiện kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập.
Với những nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa, tháng 2/2020 số hộ nghèo người dân tộc Khơ mú còn khoảng 180 hộ, giảm hơn 50 hộ so với năm 2016. Đồng bào Khơ-mú đã có nơi ăn, chốn ở ổn định, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.