7.463 vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử
Về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, theo Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, mặc dù số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%) với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng Tòa án các cấp đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, hệ thống Tòa án nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng cao; tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế.... được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ; triển khai thành lập hệ thống Tòa án nhân dân 04 cấp, đến nay hoạt động ổn định, nề nếp và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức Tòa án mới; tổ chức xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp với việc thực hiện ngày càng đầy đủ nguyên tắc tranh tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử...
Cụ thể, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc); Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Đặc biệt, Toàn án nhân dân các cấp đã xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ 99,5%, trong đó xét xử 7.463 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo, thu hồi hàng chục nghìn tỉ đồng; đã giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đạt tỷ lệ 97,3%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
"Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội", Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh trước Quốc hội.
Kinh phí tạm cấp phục vụ công tác bầu cử đợt 1 là 733.322 triệu đồng
Cũng trong buổi sáng, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày nhiều nội dung, trong đó có công tác quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức, chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua Hội đồng bầu cử Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm kinh phí phục vụ bầu cử. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã chỉ đạo việc lập dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử, trong đó đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng dự toán kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Qua tổng hợp cho thấy dự toán của các địa phương xây dựng tương đối lớn, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương (51/63 ủy ban bầu cử các tỉnh, thành và 2 cơ quan trung ương) năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, một số địa phương xây dựng dự toán kinh phí phục vụ bầu cử năm 2021 chưa căn cứ vào định mức chi tiêu hiện hành. Nhiều địa phương lập dự toán theo gói, chưa có thuyết minh nội dung chi cụ thể.
Hội đồng bầu cử Quốc gia đã xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc, tiêu thức và mức phân bổ kinh phí bầu cử năm 2021 để làm cơ sở phân bổ kinh phí cho các địa phương, các bộ, cơ quan trung ương triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để kịp thời đảm bảo kinh phí cho các địa phương, các bộ, cơ quan triển khai nhiệm vụ phục vụ công tác bầu cử năm 2021, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia trình Thủ tướng tạm cấp kinh phí phục vụ công tác bầu cử (đợt 1) là 733.322 triệu đồng. Trong đó, 17.490 triệu đồng là kinh phí bổ sung cho các bộ, cơ quan trung ương; 715.832 triệu đồng là kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các địa phương.
Căn cứ hướng dẫn của các cơ quan ở trung ương, các địa phương đã xây dựng kế hoạch kinh phí, phân bổ kinh phí tạm ứng cho chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức phụ trách bầu cử để bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí thực hiện công tác bầu cử. Đồng thời, chuẩn bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử…
Cũng trong sáng 25/3, Quốc hội cũng nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo thẩm tra các Báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.