Chốt chặn, kiểm soát hiệu quả
Hơn 20 ngày nay, huyện Sông Hinh không xuất hiện ca bệnh mới ngoài cộng đồng. Đây là kết quả của việc chính quyền, người dân địa phương này đã rất nỗ lực kiểm soát dịch bệnh ; truy vết thần tốc và dập dịch nhanh chóng. Từ khi có ca bệnh đầu tiên, đến ngày 1/8, toàn huyện có 31 ca bệnh xác định; tiếp tục theo dõi 504 trường hợp F1; 1.424 trường hợp F2. Hiện các điểm dân cư phong tỏa vì dịch bệnh đều đã được dỡ bỏ sau khi tình hình được kiểm soát, chỉ phát sinh 1 khu vực phong tỏa mới, các lực lượng đang tiếp tục chốt chặn, kiểm soát.
Tại huyện Sơn Hòa, sau hơn 1 tháng dịch bệnh bùng phát, đến nay tình hình cơ bản đã được kiểm soát. Trong số 66 ca bệnh ghi nhận trên địa bàn thì có 55 ca đã được chữa trị khỏi bệnh và xuất viện. Các trường hợp còn lại tiếp tục điều trị, theo dõi. Sơn Hòa hiện có 23 trường hợp F1 đang được cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Đình An, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Sau khi trở thành “điểm nóng”, với số ca mắc chỉ sau TP. Tuy Hòa, huyện đã nhanh chóng tập trung mọi nguồn lực truy vết, kiểm soát, dập dịch. Địa phương đã thành lập 27 chốt kiểm soát khu vực cách ly, phong tỏa; 10 chốt kiểm soát dịch bệnh. Huyện cũng thành lập tiểu ban truy vết; trong đó có 1 tổ truy vết hoạt động 24/24. Khi có kết quả xét nghiệm, sau 2 giờ sẽ truy vết được các F1; trong 24 giờ sẽ truy vết tất cả F2. Các ca F0 sẽ được đưa về bệnh viện trong vòng 2 giờ; trường hợp F1 được đưa về khu cách ly lập trung trước 6 giờ đồng hồ; góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Nhờ vậy, chỉ sau 1 tháng, địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Hơn 2 tuần nay, huyện Sơn Hòa không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng.
Với đặc thù của các huyện miền núi và vùng đồng bào DTTS, việc cách ly tại các cơ sở cộng đồng sẽ giúp quản lý tốt hơn lượng người từ các vùng dịch về địa phương; giúp giảm tải nhân lực, thời gian cho lực lượng chống dịch cơ sở. Trong thời điểm này, mỗi người dân cần đồng lòng, tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch bệnh để chung tay hỗ trợ địa phương kiểm soát được dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Ông Phạm Trung ChánhPhó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân
Bảo đảm đời sống, ổn định sản xuất
Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch, các huyện miền núi còn làm tốt công tác bảo đảm đời sống người dân, ổn định sản xuất để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Mặc dù toàn tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16, nhưng địa phương cũng tạo điều kiện cho người dân sản xuất, thu hoạch nông sản; trồng trọt, chăn nuôi, chăm bón ruộng lúa, cắt cỏ cho bò... Sông Hinh vẫn liên tục tuyên truyền, nhắc nhở người dân không chủ quan, lơ là, không tụ tập; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong sản xuất. Đặc biệt, đang vào mùa thu hoạch mè, thu mủ cao su, địa phương yêu cầu người dân phải bảo đảm an toàn phòng dịch cả trong khâu thu hoạch và thu mua, tiêu thụ nông sản; tránh tập trung đông người. Tất cả các điểm thu mua nông sản đều có lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tương tự, tại huyện Sơn Hòa, việc chăm lo cho đời sống người dân luôn được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, tại các khu vực vùng đồng bào DTTS, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Chị Hờ Uôn ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa chia sẻ: "Sau khi dỡ bỏ phong tỏa, tôi được ra ngoài cắt cỏ cho bò, nhưng chỉ đi một mình và đeo khẩu trang mọi lúc, không tập trung nói chuyện với ai. Khi không có việc gì thật cần thiết thì cũng không ai dám ra khỏi nhà. Sau một đợt bị phong tỏa vì dịch bệnh, bà con ai cũng ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh. Ai cũng sợ dịch bệnh sẽ quay trở lại thôn, sẽ rất khổ!".
Kiểm soát người về từ vùng dịch
Sau khi kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn định, huyện Sông Hinh lại tập trung cho công tác đón người dân địa phương từ các vùng dịch trở về. Với đặc thù địa bàn miền núi, bà con DTTS đông, nên việc cách ly tại nhà không bảo đảm các điều kiện về phòng dịch, nguy cơ lây nhiễm, bùng dịch ở cộng đồng rất cao. Do vậy, huyện Sông Hinh đã thành lập 11 điểm cách ly cộng đồng tại các xã, thị trấn để tập trung người dân về cách ly; sử dụng kinh phí từ các nguồn xã hội hóa.
Ông Nay Y Sét, Chủ tịch UBND xã Ea Bia, huyện Sông Hinh cho biết: Bà con DTTS chủ yếu sống ở nhà sàn, kết cấu nhà đơn giản, nhiều nhà không có phòng ngủ riêng nên nếu có mầm bệnh thì khả năng tiếp xúc, lây lan cho người trong gia đình rất cao. Do vậy, địa phương quyết định trưng dụng, cải tạo các cơ sở trường học làm điểm cách ly cộng đồng để đón người dân về cách ly tập trung; phân công lực lượng theo dõi, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và bảo đảm các điều kiện sinh hoạt để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Việc thành lập các khu cách ly tập trung không những giúp việc lấy mẫu xét nghiệm được nhanh hơn, mà còn đảm bảo dịch bệnh được khoanh vùng, không lây lan ra cộng đồng.
Chị Hờ Nhao ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh chia sẻ: "Mình cùng gia đình 5 người từ Đồng Nai đi xe máy về quê tránh dịch. Theo hướng dẫn của địa phương, gia đình đã đến xã khai báo y tế và được đưa đến điểm cách ly cộng đồng. Mình thấy các điều kiện sinh hoạt ở đây rất tốt, mỗi người đều ý thức để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng".
Huyện Sơn Hòa cũng đã đón gần 370 công dân đi làm ăn xa về địa phương tránh dịch. Tất cả các công dân này đều được sắp xếp về ở các cơ sở cách ly y tế cộng đồng tại các xã, thị trấn trong 7 ngày để được theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Sau thời gian trên, những trường hợp đủ tiêu chuẩn sẽ được về tiếp tục cách ly tại nhà theo quy định. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, vừa quản lý tốt người về từ vùng dịch, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách huyện.
Tại huyện Đồng Xuân, sau 3 đợt đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh, địa phương đã tiếp nhận 42 người. Với những gia đình có đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà, nhưng phải ký cam kết tuân thủ các điều kiện về phòng dịch. Tuy nhiên, địa phương vận động người dân nên cách ly tập trung để được kiểm tra, theo dõi thường xuyên.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Việc cách ly tại các cơ sở cộng đồng sẽ giúp quản lý tốt hơn lượng người về địa phương, hạn chế bớt nhân lực, giảm thời gian đi lại cho lực lượng chống dịch cơ sở. Về kinh phí, địa phương vẫn đang thực hiện xã hội hóa, người dân chủ động lo thực phẩm, ăn uống hàng ngày (do gia đình cung cấp), địa phương sẽ hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt như gia đình quá khó khăn, neo đơn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện cho bà con yên tâm thực hiện cách ly./.