Ưu tiên cải thiện đời sống, thu nhậpNinh Thuận hiện có trên 161.000 người là đồng bào DTTS, chiếm khoảng 23,3% dân số toàn tỉnh; trong đó nhiều nhất là dân tộc Chăm và dân tộc Raglai. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn ở mức cao chiếm khoảng 32,17%; hộ cận nghèo là 15,51% so với hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Để từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững cho các hộ DTTS, tỉnh Ninh Thuận đã chuyển hướng thay vì trao sẵn “con cá” như trước đây thì nay tập trung hỗ trợ những chiếc “cần câu” cho các hộ dân để tự mình vươn lên. Bằng cách làm này, sức ỷ lại của các hộ dân đã dần bị phá bỏ. Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sản xuất như: Trồng mía, bắp lai, bưởi da xanh, mãng cầu; phát triển đàn gia súc có sừng theo hướng lấy thịt, nuôi heo đen đặc sản; xây dựng mô hình "cánh đồng lớn” sản xuất lúa giống vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; trồng cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi tại các huyện miền núi Bác Ái, Thuận Bắc... Bên cạnh đó, các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các hộ vay ốn ưu đãi phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được tỉnh đầu tư, mở rộng.
Năm 2018, bằng các nguồn vốn từ Trung ương và địa phương, tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các huyện nghèo, các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS thuộc diện thụ hưởng của Chương trình 30a, Chương trình 135 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã triển khai xây dựng và duy tu bảo dưỡng nhiều công trình gồm đường giao thông, trường học, thủy lợi, y tế, chợ, điện với kinh phí gần 19 tỷ đồng; hỗ trợ các xã ĐBKK gần 7 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... Đến nay, những chương trình, dự án này đang phát huy hiệu quả, giúp các hộ nằm trong diện khó khăn cải thiện được thu nhập, sớm vươn lên thoát nghèo.
Nhờ thực hiện đồng bộ, các chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS được phủ kín điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sạch đạt trên 85%; cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện; trường học, trạm xá được đầu tư nâng cấp xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân. Cùng với đó, 100% xã có nhà văn hóa xã, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển. 100% các hộ đồng bào DTTS nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa và các xã ĐBKK được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được thụ hưởng chính sách miễn giảm viện phí, miễn giảm học phí cho con em đồng bào.
Hiện nay, qua kết quả rà soát hộ nghèo đồng bào DTTS cuối năm 2018 còn 8.689 hộ DTTS, giảm 1.209 hộ so với đầu năm. Tỉnh có 9/37 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới. Các chương trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Huy động thêm nguồn lực đầu tư Theo bà Pi-năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ngoài những Chương trình, chính sách thường xuyên dành cho vùng đồng bào DTTS. Cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký và ban hành Quyết định số 96/2017/QĐ-UBND về việc Thực hiện đề án, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, Đề án đã phê duyệt cho 9.223 hộ đồng bào DTTS nghèo được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sạch sinh hoạt; hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 365,8 tỷ đồng. Qua đó, nâng cao đời sống bền vững cho đồng bào DTTS, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.
Để tiếp tục chăm lo cho đồng bào DTTS giai đoạn tới đây, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn Chương trình 135, Nông thôn mới… để hỗ trợ trực tiếp cho các xã, thôn ĐBKK... Trọng tâm sẽ lựa chọn các mô hình phát triển sản xuất, sát với thực tế theo nhu cầu của các hộ DTTS đăng ký tham gia. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng ĐBKK, mục đích là tạo công ăn việc làm cho người dân vùng đồng bào DTTS để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
BẰNG GIANG