Những con số đáng báo động
Theo thông báo về tình hình tai nạn lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2018, trên địa bàn 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ, làm 8.229 người bị nạn. Số vụ TNLĐ bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trong đó, số người chết vì TNLĐ là 1.039 người.
Điều đáng báo động là, trong khi số vụ TNLĐ xảy ra trong khu vực có quan hệ lao động là 622 người, giảm 6,6% so với năm 2017 thì ở khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động, số vụ TNLĐ là 417 người, tăng 59,16% so với năm 2017.
Theo ghi nhận, số vụ TNLĐ thường xảy ra đặc biệt nhiều và tập trung ở một số lĩnh vực như thi công xây dựng và khai khoáng.... Đơn cử, ngày 5/11/2018, đang lúc thi công trên tầng 4 của công trình xây dựng nhà cao tầng (48 Mai Xuân Thưởng, phường 11, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh), nam công nhân tên N. (21 tuổi, quê An Giang) bất ngờ té ngã, rơi xuống đất. Nạn nhân được người dân nhanh chóng chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Trước đó 2 tháng, cũng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, công nhân Hà Văn K. (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi, quê Trà Vinh) cũng bị ngã từ trên cao, tử vong tại công trình Khu trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) do giàn giáo công trình này đổ sập...
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2018. Trong khi đó, con số này mới chỉ là bề nổi, bởi trên thực tế, khắp 63 tỉnh thành, số vụ TNLĐ, số người chết và bị thương còn cao hơn nhiều do chủ cơ sở,
quản lý lao động ém nhẹm, che giấu thông tin do sợ chịu trách nhiệm, ảnh hưởng tới công trình thi công.
Nguyên nhân từ đâu?
Theo nhiều chuyên gia thì TNLĐ thường xảy ra do một số nguyên nhân như người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Đặc biệt, các doanh nghiệp coi thường việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; Không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; Không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không trang bị phương tiện bảo hộ.
Một điều khác nữa là thiếu kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề ATVSLĐ. Về phía người lao động thiếu ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, không sử dụng thiết bị an toàn lao động, nhất là những lao động tự do làm việc tại các công trình xây dựng. Mặt khác, việc doanh nghiệp trốn tránh không thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động cũng tiềm ẩn nguy cơ sinh ra TNLĐ...
Tại tỉnh Quảng Bình, địa phương hiện có 38 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá. Tuy nhiên, số mỏ đá hội đủ các yếu tố, điều kiện bảo đảm ATLĐ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ năm 2014 đến nay, tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ TNLĐ, khiến 6 người tử vong. Ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp khai thác đá chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm ATLĐ.
Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra đầu tháng 8/2018 tại mỏ đá Rào Trù, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh khiến một công nhân tử vong. Nạn nhân là anh Lê Văn Thế (SN 1985, trú thôn Rào Trù, xã Trường Xuân) là thợ khoan mỏ đá Rào Trù thuộc Xí nghiệp Thế Thịnh 7-Công ty TNHH Thế Thịnh. Nguyên nhân tử vong được xác định là do ngã trừ trên cao xuống trong lúc khoan mỏ, nạn nhân không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động.
Trong khi đó, về phía người lao động, việc thiếu thông tin về an toàn lao động, cộng thêm tâm lý chủ quan và lo sợ mất việc cũng dẫn tới nguy cơ xảy ra TNLĐ. Chưa kể, do làm việc theo thời vụ, không ổn định nên đa phần người lao động chưa được đào tạo bài bản và ý thức chấp hành các quy định về ATLĐ vẫn chưa cao…
NGỌC DIỆP