Phát triển nhanh nhưng thiếu định hướng
Chị Bùi Thị Thu, một du khách Hà Nội vừa trải nghiệm dịch vụ homestay ở bản Lác, Mai Châu, Hoà Bình chia sẻ: “Mình đã du lịch homestay ở rất nhiều nơi lịch nhưng khi tới một cơ sở ở đây mình thấy hơi thất vọng. Chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất còn kém, nên gần như chỉ giống nhà nghỉ bình dân chứ không có nhiều hoạt động giao lưu văn hoá giữa người dân địa phương và du khách”. Bản Lác, Mai Châu chỉ là một trong số những điểm phát triển nóng mô hình homestay trên cả nước mà chưa có định hướng lâu dài, các homestay cứ mọc lên như những bản sao nên có những hộ gia đình ế ẩm vì vắng khách.
Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam năm 2018 do Tổng cục Du lịch vừa phát hành, tính đến hết năm 2018 cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 550.000 buồng/phòng, tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú và hơn 42.000 buồng/phòng so với năm 2017.
Riêng loại hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cả nước có 1.892 cơ sở đã qua kiểm tra điều kiện với 13.400 phòng, tăng 7,5% so với năm 2017, và 1.126 cơ sở với 7.372 phòng chưa được kiểm tra điều kiện. Như vậy, đến hết năm 2018, cả nước có 3.018 homestay với khoảng 21.000 phòng. Công suất buồng/phòng bình quân đạt khoảng 54%, giảm nhẹ so với năm 2017.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, homestay là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh chứ không chỉ là dịch vụ lưu trú. Homestay là loại hình du lịch mà du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua hoạt động tập thể đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hoá của mảnh đất mà du khách đặt chân đến.
Chỉ khi nào du khách thực sự hoà vào cuộc sống của người dân địa phương từ ăn ở đến sinh hoạt, lao động thì họ mới thực sự được trải nghiệm loại hình du lịch homestay. Thế nhưng, có lẽ nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS chưa có nhận thức đúng về hình thức kinh doanh này nên các mô hình homestay cứ đua nhau mọc lên nhưng phát triển không hiệu quả trong khi tiềm năng du lịch vùng cao của nước ta là rất lớn.
Cần có cách làm bài bản
Toong homestay-một cơ sở lưu trú tại xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, Hà Giang được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến như một địa chỉ quen thuộc. Khách tới đây không chỉ được nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người Dao trong không gian nhà trình tường, nhà sàn mà còn được xem những chương trình văn nghệ truyền thống. Theo anh Lý Tà Dòng, chủ cơ sở Toong homestay, cho biết du khách ở đây đến đều rất đều đặn, đặc biệt đông vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ. Cơ sở này được đánh giá rất cao trên các trang du lịch vì chất lượng, thái độ phục vụ. Đặc biệt, homestay này còn có nhiều kênh quảng bá kết hợp với các công ty lữ hành, có trang mạng xã hội để tư vấn, hướng dẫn cho du khách.
Có thể thấy, trên thực tế, homestay có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến nên người dân không chỉ có hiểu biết về du lịch, biết làm kinh tế mà còn phải có tầm nhìn xa và nghĩ đến lợi ích cộng đồng.
Muốn làm được điều này, họ cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong việc kinh doanh, quảng cáo tiếp thị, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Phải gắn du lịch theo hướng liên kết các gia đình, hỗ trợ lẫn nhau, nghĩa là phải đa dạng hoá các dịch vụ chứ không phải là nhà này là bản sao lại nhà kia.
Ngoài ra, để chuyên nghiệp hoá hình thức kinh doanh, chủ nhà homestay cũng cần được đào tạo các kỹ năng làm du lịch: phải thông thạo ngoại ngữ, nắm được tâm lý khách hàng, biết tận dụng lợi thế công nghệ thông tin trong thu hút, quảng bá du khách đến với mình. Do đó, các khoá đào tạo cho người làm “homestay” không thể ngắn hạn mà chỉ là tập trung ngắn hạn nhưng phải liên tục đào tạo, tuyên truyền trong nhiều năm, kể cả khi dịch vụ đã đi vào hoạt động.
HỒNG PHÚC