Những chú voi rừng về bản
Những ngày gần đây, bà con ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) thất kinh vì liên tục hai con voi về bản quậy phá. Dẫu đây không phải là lần đầu tiên cặp mẹ con voi này về bản, nhưng người dân vẫn cứ mất ăn mất ngủ, nhất là hoa màu bị chúng giẫm đạp hư hại. Phải mất nhiều ngày, bà con cùng với lực lượng Kiểm lâm tìm mọi cách xua đuổi, hai con voi này mới chịu rời đi.
Bà con cho biết, trước đây ở xã này có một đàn voi đông lắm. 30 năm trước, kẻ xấu đã giết chết con voi đực để lấy ngà, đàn voi chỉ toàn con cái nên không còn sinh sôi được nữa. Nay chỉ còn 2 con, đều là voi cái nên nếu không được nhập đàn khác thì khả năng hai con này cũng sẽ bị xóa sổ.
Nghệ An hiện có 5 đàn voi, với khoảng 16 con, lớn thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai. Trong đó, có 3 đàn voi đơn lẻ, không có khả năng phát triển. Ngoài 2 mẹ con voi rừng ở huyện Quỳ Châu, còn có 1 con voi cái sinh sống ở những cánh rừng tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn (Quỳ Hợp) và 1 con voi cái ở các xã Châu Khê (huyện Con Cuông). Con voi cái ở huyện Quỳ Hợp sống cô độc đã hơn 20 năm qua, sau khi các thành viên trong đàn lần lượt bị đặt bẫy, săn bắn. Con voi này thường xuyên ra bìa rừng, gần khu dân cư để quấy phá.
Còn 1 đàn voi khoảng 4 con, thì những năm gần đây không còn được ghi nhận, rất nhiều khả năng nó đã “di cư” sang Lào. Đó là đàn voi sinh sống trong Vườn Quốc gia Pù Mát, gần biên giới Việt - Lào. Đàn lớn nhất với 8 con voi hiện vẫn đang sinh sống ở vùng đệm vườn Quốc gia Pù Mát. Đàn này thường xuyên xuất hiện và quậy phá ở khu vực bản Cao Vều, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn).
Huyện Anh Sơn đã cho đào hào để ngăn voi phá hoại và tấn công người, nhưng xem ra cũng không mấy hiệu quả, phần lớn hoa màu của người dân vẫn thường xuyên bị đàn voi này phá hoại.
Vẫn chưa có phương án hiệu quả
10 năm trước, tỉnh Nghệ An đã có dự án khẩn cấp bảo tồn voi, mà một trong những nhiệm vụ cấp bách là di chuyển, nhập đàn đối với những con voi đơn lẻ. Tuy thế, cho đến nay, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tìm được giải pháp hiệu quả để di chuyển voi để nhập đàn. Nhiều ý kiến cho rằng, nên di chuyển những con voi đơn lẻ về nhập đàn với đàn voi ở Vườn quốc gia Pù Mát. Đây là khu vực rừng rộng lớn, có chức năng bảo tồn động, thực vật hoang dã nên rất phù hợp.
Thế nhưng, bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho hay: Phương án này rất khó thực hiện, vì thực tế đã có địa phương di chuyển voi rừng về vùng sinh thái mới, nhưng các lần di chuyển đều thất bại do vùng sinh thái mới không phù hợp, voi không hòa nhập được với đàn mới. Trong đó, điển hình là việc di chuyển đàn voi Tánh Linh ở tỉnh Bình Thuận lên tỉnh Đắk Lắk vào năm 2001. Dù việc di chuyển được tính toán rất kỹ lưỡng, nhưng sau đó những con voi này đã bị chết vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do mất sức và môi trường sống không phù hợp.
Cũng theo bà Nhung, việc di chuyển voi rừng rất phức tạp, thường phải sử dụng phương án bắn thuốc mê để chuyển voi. Tuy nhiên, ở Nghệ An voi thường sống trên địa bàn rừng núi hiểm trở. Việc bắn thuốc mê cũng gây nguy hiểm cho voi. Gây mê voi xong, việc di chuyển voi cũng rất khó vì địa hình hiểm trở, phương tiện máy móc khó tiếp cận.
Trong lúc đó, một cán bộ chuyên nghiên cứu về voi rừng ở Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, ý thức về lãnh thổ của voi rừng là rất lớn, nên việc sáp nhập đàn dường như là điều không thể. Có nhiều đàn voi có địa bàn sinh sống rất gần nhau, nhưng chúng không bao giờ xâm phạm đến địa bàn của nhau. Đó là ý thức về vùng lãnh thổ. Do đó, nếu gây mê rồi di chuyển chúng lại với nhau, cũng rất khó có khả năng nhập đàn để sinh tồn.