Đau đầu chuyện thiếu giáo viên
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Khánh Hòa thiếu 678 GV. Trong đó, cấp GV mần non thiếu 409 người; tiểu học thiếu 178 GV, cấp THCS thiếu 91 GV. Ngoài ra, các đơn vị giáo dục còn đang thực hiện tinh giản biên chế nên có nguy cơ không đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp để dạy học 2 buổi/ngày.
Việc thiếu GV làm cho các trường gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí GV đứng lớp. Điển hình như ở Trường Mầm non thị trấn Diên Khánh huyện Diên Khánh được xây mới với quy mô 10 lớp, nhưng hiện chỉ có 6 GV, thiếu 6 GV nên trước mắt chỉ tổ chức được 6 lớp; Trường MN Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa) có 9 lớp, với khoảng 300 học sinh. Tuy nhiên, trường mới có 11 GV, thiếu 7 GV theo định biên.
Cô Nguyễn Hà Phương Thoa, Hiệu trưởng trường Ninh Thủy cho biết, trường đã đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hợp đồng 7 GV. Trong thời gian này, trường phân công tạm thời mỗi lớp 1 GV, đồng thời các nhân viên, cán bộ quản lý tham gia hỗ trợ, phối hợp cho tất cả các GV để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tương tự, ông Trần Đức Hùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, cho biết bước vào năm học mới 2019-2020, toàn tỉnh Quảng Ngãi cũng thiếu hàng trăm giáo viên. Nguyên nhân của việc này là do các GV diện hợp đồng đã cho thôi dạy học vào cuối năm học 2018-2019, trong khi việc tuyển dụng GV mới lại không kịp, khiến hàng loạt các trường trực thuộc Sở GD&ĐT và các huyện rối bời trong việc bố trí GV đứng lớp.
Điển hình như, Trường Tiểu học Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, năm học này có 10 lớp, nhưng chỉ có 6 GV chủ nhiệm và theo biên chế cho phép, nhà trường còn thiếu 7 GV. Hiện nay nhà trường phải thực hiện phân công 3 GV chủ nhiệm cả 2 lớp trái buổi và huy động hiệu phó tham gia chủ nhiệm, đứng lớp. Còn theo ông Phạm Đăng Huyên, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Nghĩa Hiệp, trường này còn thiếu 8 GV. Đặc biệt, GV dạy sử phải “trực chiến” đến 18 lớp, đứng lớp 29 tiết/tuần.
Cùng tình trạng, ông Bùi Thế Giới, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây cho hay, địa phương còn thiếu đến 70 GV, có trường không còn GV bộ môn. Đáng lưu ý, theo ông Giới, khi thực hiện dừng sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định 161 của Chính phủ, từ tháng 4/2019 đến nay, toàn huyện có 26/26 trường học do UBND huyện Sơn Tây quản lý thì đều “trắng” kế toán.
Cần nhiều phương án khắc phục
Trước tình trạng thiếu GV, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi đang gấp rút hoàn thành phương án tuyển dụng GV, bổ sung cho các trường. Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, trong thời gian tới, các phòng GD&ĐT: Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa sẽ thực hiện việc tuyển dụng GV. Các huyện: Khánh Vĩnh, Diên Khánh đang xin chủ trương UBND các huyện để xây dựng kế hoạch tuyển dụng. Còn các phòng GD&ĐT: Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm không tổ chức tuyển dụng trong năm nay.
“Riêng đối với cấp THPT, việc thừa, thiếu GV mang tính cục bộ. Những trường thiếu GV ở một vài bộ môn, nhà trường không phân công kiêm nhiệm mà chỉ phân công giảng dạy nên vẫn bảo đảm hoạt động dạy và học bình thường. Ở cấp tiểu học, trong trường hợp thiếu GV, có thể sẽ phải cho các trường hợp đồng GV đã tuyển dụng theo chế độ thỉnh giảng, trả kinh phí theo tiết dạy, hoặc các GV trong trường phải dạy tăng tiết và được thanh toán kinh phí theo chế độ dạy tăng giờ. Vì vậy, Sở GD&ĐT kiến nghị, cần có các chỉ đạo từ Trung ương yêu cầu địa phương phải đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp ở cấp tiểu học để đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới”, bà Lý chia sẻ thêm.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép hợp đồng GV làm công việc chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ông Trần Đức Hùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay: Bộ Nội vụ đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương tuyển dụng hết số viên chức được giao; nghiên cứu hợp đồng GV, đảm bảo đúng quy định hiện hành, đảm bảo bố trí GV đứng lớp. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tổ chức thi tuyển 845 GV từ bậc mầm non đến bậc THPT.
LÊ PHƯƠNG