Trước xu thế hội nhập toàn cầu, thổ cẩm của đồng bào DTTS tỉnh Đăk Nông có nhiều cải tiến nhất định. Rõ nét nhất là sự trao đổi tiếp thu có chọn lọc các nét văn hóa giữa các dân tộc với nhau và được thể hiện qua các sản phẩm cách tân hay với các họa tiết truyền thống. Tuy có sự thay đổi nhưng nhìn chung các DTTS trên địa bàn vẫn giữ được những nét đặc trưng, màu sắc truyền thống riêng của dân tộc mình.
Sinh sống trên địa bàn tỉnh Đăk Nông gồm các dân tộc: M’nông, Mạ, Ê-đê… xưa kia bà con sử dụng nguyên liệu là sợi chỉ từ bông hoặc gai. Sợi chỉ được nhuộm màu từ các loại cây rừng, khung dệt rất đơn giản dễ sử dụng. Ngày nay các bà các chị dệt thổ cẩm bằng sợi len những hoa văn vẫn là những hình ảnh quen thuộc như: chim muông, hoa cá, hạt giống hay mô phỏng hoạt động của con người, các hiện tượng thiên nhiên. Nếu sản phẩm của dân tộc M’nông nổi bật với màu đen và xanh thì trong trang phục của dân tộc Mạ là hai màu trắng, đỏ, còn màu chủ đạo trên trang phục của người Ê-đê gồm đỏ, đen.
Ngày nay, dẫu vải công nghiệp, trang phục hiện đại trở nên thông dụng, nhưng tấm vải thổ cẩm vẫn là lễ vật trong đám cưới, đám hỏi của đồng bào DTTS, vẫn là món quà của mẹ tặng con vào những ngày trọng đại.
Biết dệt thổ cẩm từ năm 12 tuổi, chị H’Bình ở Bon N’Jiêng xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa không chỉ dệt cho người thân trong gia đình mà còn bán cho bà con trong vùng. Bình quân mỗi tháng chị dệt được từ 3 đến 5 bộ váy áo, chăn thổ cẩm thu nhập trung trình 4 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra chị còn kiên trì truyền nghề dệt thổ cẩm cho con gái của mình. Chị H’Bình cho biết: “tôi dạy con học dệt trước sau đó dạy hoa văn, như vậy sau này không bỏ được nghề truyền thống của dân tộc”.
Ngoài các dân tộc tại chỗ, đến Đăk Nông chúng ta còn bắt gặp nhiều phụ nữ dân tộc Mông, Thái, Dao mặc trang phục thổ cẩm. Đâu đó tại những bản làng vẫn có người cặm cụi xe sợi dệt thổ cẩm, những bàn tay thô ráp vẫn khéo léo đưa thoi.
Trong quá trình hội nhập văn hóa, thổ cẩm tỉnh Đăk Nông cũng như các địa phương khác đang đứng trước nguy cơ mai một. Đăk Nông đang nỗ lực bảo tồn qua nhiều hoạt động như mở các lớp dạy nghề, tổ chức hội thi dệt, trình diễn trang phục thổ cẩm, tập huấn bảo tồn nghề dệt thổ cẩm hướng dẫn phụ nữ dệt hoa văn truyền thống trên chất liệu hiện đại. Việc ứng dựng thổ cẩm trong cuộc sống hiện đại, đặc biệt trong thời trang là hướng đi phù hợp với xu thế. Những sản phẩm thổ cẩm mang tính ứng dụng cao được quảng bá rộng rãi, có đầu ra ổn định góp phần bảo tồn văn hóa thổ cẩm, tạo công ăn việc ổn định cho đồng bào DTTS.
Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ Nhất tại tỉnh Đăk Nông là cơ hội giới thiệu giá trị thổ cẩm của đồng bào các DTTS cũng như văn hóa đặc sắc của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết: “Hoa văn trên thổ cẩm chứa đựng cái tinh túy của đồng bào mỗi dân tộc. Với mong muốn phát triển thành một ngành nghề để giúp cho đồng bào nói chung cũng như phụ nữ DTTS nói riêng có thể phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo. Từ đó giúp người dân tự vươn lên bằng chính nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.
Lễ hội văn hoá thổ cẩm Việt Nam lần thứ Nhất quy mô cấp quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 5-7/1/2019 tại tỉnh Đăk Nông. Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: Triển lãm không gian văn hoá thổ cẩm Việt Nam; Không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam; Không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS; Chương trình biểu diễn thời trang thổ cẩm ứng dụng, lễ hội đường phố… Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân sẽ là Đại sứ Lễ hội văn hóa thổ cẩm lần thứ Nhất.
HỒNG MINH