Làng nghề sản xuất nước mắm An Dương được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận danh hiệu làng nghề năm 2014. Làng nghề có 25 hộ sản xuất quy mô lớn và gần 100 hộ sản xuất nhỏ lẻ; mỗi năm chế biến 2.000 tấn thủy sản và cho ra sản lượng hơn 2 triệu lít nước mắm/năm.
Vì thế, mỗi năm làng nghề thải ra môi trường hàng chục ngàn khối nước thải chế biến. Điều đáng quan tâm là, số lượng nước này không được xử lý tập trung mà trực tiếp chảy ra khắp đường làng ngõ xóm. Với phương châm “mạnh ai nấy thải” nên đường làng của xã Phú Thuận luôn lênh láng nước bẩn bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Chị Nguyễn Thị A (xin dấu tên) cho biết: Mặc dù cửa nhà được đóng kín cả ngày, nhưng mùi vẫn nồng nặc bốc vào. Vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con nên vợ chồng chị đã gửi 2 cháu nhỏ về ngoại để học.
“Tôi luôn ủng hộ mọi người nỗ lực phát triển kinh tế nhưng các hộ sản xuất nước mắm ở đây thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi lần rửa cá, nước hôi tanh tràn ra đường, nắng lên bốc mùi khó chịu”, chị A. cho biết.
Cũng theo chị A thì không chỉ có gia đình chị phải chịu đựng mùi hôi này mà nhiều hộ dân cũng chung hoàn cảnh và hết sức bức xúc, nhưng vì cả nể nên họ không nói ra.
Cùng quan điểm, anh Phạm Văn T. ở thôn An Dương bức xúc cho biết: Nếu các hộ sản xuất nước mắm vẫn tiếp tục xả nước ra môi trường, chính quyền không có biện pháp xử lý thì nguy cơ các loại dịch bệnh xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. “Ngay như các con của tôi năm nào cũng bị bệnh ngoài da phải dùng thuốc điều trị thường xuyên”, anh T. chia sẻ.
Qua tìm hiểu thì thấy sự bức xúc của người dân thôn An Dương và xã Phú Thuận nói chung là có cơ sở. Hiện nay đang là cao điểm của sản xuất nước mắm. Trung bình hằng ngày, làng nghề thu mua 7 - 10 tấn cá; cá được các hộ bơm nước rửa sạch, số nước bẩn này chảy lênh láng khắp đường làng, ngõ xóm, gây ra mùi tanh hôi hết sức khó chịu.
Được biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở làng nghề nước mắm An Dương, tháng 10/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Hệ thống xử lý nước thải của làng nghề, với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, trên diện tích gần 0,8ha.
Tuy nhiên, dự án vẫn không thể thực hiện được và gần như phải bỏ cuộc từ cuối năm 2019. Nguyên nhân dự án không thể triển khai, là do một bộ phận người dân ở thôn An Dương, nơi được chọn thi công công trình phản đối, vì theo họ đây là khu vực có nguy cơ sạt lở và sẽ phá rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: Để giải quyết tạm thời tình trạng xả nước thải, bã thải ra môi trường gây ô nhiễm, chính quyền địa phương vận động các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm, các sản phẩm từ mắm chủ động xây dựng hầm rút xử lý tại nhà. Đối với xác, bã thải được thu gom phục vụ bón cho cây trồng.
Đây là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, theo ông Dân thì phải quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, vận động các hộ sản xuất có quy mô tham gia hoạt động sản xuất tại Cụm Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đã được phê duyệt quy hoạch.
Để giải quyết tạm thời tình trạng xả nước thải, bã thải ra môi trường gây ô nhiễm, chính quyền địa phương vận động các hộ sản xuất, kinh doanh nước mắm, các sản phẩm từ mắm chủ động xây dựng hầm rút xử lý tại nhà. Đối với xác, bã thải được thu gom phục vụ bón cho cây trồng.”
Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận