Sau gần 2 năm xuất hiện, đại dịch giờ đã lây lan ra 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ hiện có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Delta được dự báo là đang trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người nhiễm bệnh.
Tại một số nước châu Âu và châu Á, dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus delta. Sự xuất hiện và tăng tốc lây lan của biến chủng delta và delta plus tại nhiều nước trên thế giới đã buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ phải đối mặt với làn sóng COVID-19 mới.
Trong khi đó, tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các nước không giống nhau cũng được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan với mức độ khác nhau. Trong khi nhiều nước bắt đầu mở cửa trở lại và khôi phục cuộc sống trở lại bình thường, thì nhiều nước đang chật vật đối phó với dịch bệnh.
Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 6/7 cho thấy, hiện toàn thế giới có 169.272.974 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 11.634 ca bệnh đang điều trị thì có 11.557.150 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 77.717 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 48.350.161 trường hợp, trong đó có 1.107.281 ca tử vong và 45.627.391 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 71.238 ca nhiễm mới.
Hiện Bắc Mỹ có 40.739.824 ca nhiễm bệnh, trong đó có 920.906 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 34.597.607 ca nhiễm và 621.324 ca tử vong vì COVID-19 tính đến sáng 6/7. Tuy nhiên, nhờ vào chiến dịch tiêm chủng rầm rộ, cuộc sống người dân nơi đây đang dần trở lại bình thường khi người dân có thể đi lại tự do và tập trung mà không cần đeo khẩu trang. Cũng vì thế mà Mỹ đã có một Ngày Độc Lập (4/7) trong trạng thái bình thường như chưa từng xảy ra dịch bệnh khi hàng nghìn người dân đã đổ về khu trung tâm của thủ đô Washington D.C. để kỷ niệm dịp lễ đặc biệt này với nhiều hoạt động chào mừng được tổ chức trực tiếp.
Tính đến sáng 6/7, Nam Mỹ có 33.416.675 ca nhiễm COVID-19, với 1.019.759 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 18.792.511 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới, với 149.403 trường hợp. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 56.580.054 trường hợp, với 803.448 ca tử vong và 53.871.083 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.905.523 ca bệnh đang điều trị thì có 26.694 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 30.618.939 ca, trong đó có 403..310 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 34.067 ca mắc mới COVID-19.
Tính đến sáng 6/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.743.752 trường hợp, trong đó có 147.434 ca tử vong và 4.981.484 ca bình phục. Trong tổng số 614.834 ca đang điều trị thì có 4.671 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.075.409 ca nhiễm COVID-19 và 62.171 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 405 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 76.789 trường hợp ca mắc COVID-19, với 1.292 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 30.803 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 19.011 ca./.