Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Gỡ điểm “nghẽn”, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hồng Phúc - 13:10, 20/12/2023

Nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số. Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021-2023 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) có riêng Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS. Để hiểu hơn về chính sách đất đai dành cho đồng bào DTTS, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi phỏng vấn ông Hoàng Văn Tuyên – Vụ trưởng vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc về vấn đề này.

Ông Hoàng Văn Tuyên – Vụ trưởng vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc
Ông Hoàng Văn Tuyên – Vụ trưởng vụ Chính sách dân tộc, Uỷ ban Dân tộc

Xin ông chia sẻ kết quả triển khai Dự án 1- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của Dự án thuộc chương trình MTQG 1719 trong năm 2023?

Ông Hoàng Văn Tuyên: Cùng với các Dự án thành phần của Chương trình, sau 3 năm triển khai thực hiện, Ngân sách Trung ương đã tập trung cho Dự án 1 để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt là 4.055 tỷ đồng, trong đó 2.801 tỷ đồng vốn đầu tư (đạt 62% nhu cầu cả giai đoạn) và 1.253 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 38% nhu cầu cả giai đoạn).

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, hết năm 2023, kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt khoảng 2.658 triệu đồng, đạt 60% kế hoạch vốn được giao (trong đó vốn ĐTPT khoảng 1.706 triệu đồng, đạt 81,97%; vốn sự nghiệp khoảng 978.778 triệu đồng, đạt 78,114%).

Dự án đã hỗ trợ được 2.445 hộ về đất ở, đạt 18,7% nhu cầu cả giai đoạn 2021-2025. Đã hỗ trợ được 9.778 hộ về nhà ở, đạt 28,8% nhu cầu cả giai đoạn 2021-2025. Về hỗ trợ đất sản xuất, đã hỗ trợ được 35.732 hộ thiếu đất sản xuất trong đó hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 1.627 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 34.105 hộ, đạt 33,82% nhu cầu cả giai đoạn 2021-2025.

Dự án cũng đã hỗ trợ được 62.847 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán, đạt 38,57% nhu cầu cả giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ được 399 công trình nước sinh hoạt tập trung, đạt 52,56% nhu cầu cả giai đoạn 2021-2025.

Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó bổ sung cơ chế đặc thù sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình. Ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Hiện nay các địa phương cơ bản đã phê duyệt xong đối tượng thụ hưởng và đang khẩn trương triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng.

Chúng tôi tin tưởng rằng, khi đã xác định được đối tượng thụ hưởng thì tốc độ triển khai việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã và sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xin ông cho biết, trong quá trình triển khai, các địa phương đang gặp những khó khăn gì về công tác hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số?

Ông Hoàng Văn Tuyên: Hiện nay, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất cao, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng một phần giá trị thực tế. Các giải pháp khác để thay thế đất sản xuất như chuyển đổi ngành nghề, học nghề, xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ và trồng rừng, kết quả thực hiện chưa cao. Việc rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số triển khai chậm, chưa quyết liệt. Mặt khác, diện tích rừng chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng phải bảo vệ nghiêm ngặt; diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý để hưởng lợi rất ít.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy định theo thẩm quyền tại địa phương phải chờ được xem xét thông qua tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh mới ban bành được theo quy định; một số nguyên tắc được đưa vào như tăng cường lồng ghép nguồn lực, lồng ghép vốn, đẩy mạnh phân cấp phân quyền... chủ yếu mới triển khai ở góc độ chủ trương, khuyến khích triển khai hoặc nguyên tắc chung chung, chưa được tổ chức thực hiện một cách thống nhất do vướng mắc về việc thiếu quy định cơ chế, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ trong quy định tại Luật, văn bản pháp lý được ban hành từ cấp Trung ương.

Hiện nay, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc ở các địa phương chưa thống nhất (nhiều địa phương chưa tổ chức cơ quan công tác dân tộc cấp huyện chuyên trách - Phòng Dân tộc); biên chế làm công tác dân tộc mỏng, dẫn đến những bất cập, khó khăn trong công tác kiện toàn, thành lập đơn vị tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp và hoạt động quản lý, đôn đốc, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại địa phương; đồng thời tác động không nhỏ đến khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, tính kịp thời trong công tác tổng hợp, báo cáo kết quả của địa phương và việc nắm bắt tình hình triển khai đối với cấp Trung ương.

Nguồn vốn sử dụng để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được bố trí trong Chương trình là nguồn vốn đầu tư nên gặp khó khăn trong công tác giải ngân. Uỷ ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ bổ sung cơ chế đặc thù sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình và đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023. Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG. Mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ mới được ban hành trong năm 2023 nên tỷ lệ giải ngân còn thấp; các địa phương đang tích cực triển khai các nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đảm bảo hoàn thành giải ngân nguồn vốn năm 2022 và năm 2023.

Nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số
Nguồn lực đất đai là yếu tố chi phối sự phát triển của mỗi cộng đồng, đặc biệt là dân tộc thiểu số

Thưa ông, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tháo gỡ tồn tại về chính sách đất đai cho đồng bào khu vực này. Ông đánh giá thế nào về các quy định của dự thảo trong Luật với vùng đồng bào DTTS, các quy định này giúp khắc phục các vấn đề trong việc triển khai chính sách đất đai cho vùng đồng bào DTTS như thế nào?

Ông Hoàng Văn Tuyên: Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có 2 quy định riêng và 13 quy định cụ thể đối tượng là đồng bào DTTS. Tôi đánh giá cao các quy định của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thể kể đến những quy định nổi bật như:

Về chính sách của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dự thảo quy định rất rõ là việc giao đất lần một; việc giao đất, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất, thiếu đất; quy định trách nhiệm của các cái cơ quan từ cấp xã, cấp tỉnh đến Trung ương; quy định rõ nguồn lực để thực hiện chính sách này.

Dự thảo đã bổ sung 1 hành vi bị nghiêm cấm là nghiêm cấm vi phạm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số để ngăn chặn những hành vi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của đồng bào.

Dự thảo luật cũng quy định ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; thu hồi diện tích đất mà các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, bị lấn, chiếm để giao, cho thuê đối với tổ chức, cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất ở địa phương. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định ưu đãi trong hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, các quy định của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập trong việc triển khai chính sách đất đai cho đồng bào khu vực này. Các quy định này đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

CĐ BAN DIEN TU Gỡ điểm “nghẽn”, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số 2
Công tác hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Là vụ có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện quản lý nhà nước về một số chính sách dân tộc trong phạm vi cả nước, xin ông chia sẻ trong thời gian tới, Vụ Chính sách Dân tộc có định hướng, giải pháp nào nhằm triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số?

Trong thời gian tới, Vụ Chính sách Dân tộc (CSDT) sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất là tham mưu điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cần thiết để đảm bảo cho chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của đồng bào. Vụ CSDT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, bao gồm: Tăng cường hỗ trợ về nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, để đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao mức hỗ trợ về kinh phí, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số; Đổi mới phương thức hỗ trợ, chú trọng hỗ trợ theo hướng tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số có thể tự lực vươn lên, ổn định cuộc sống.

Thứ hai là cải thiện công tác tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo cho chính sách được thực hiện hiệu quả. Vụ CSDT sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.

Thứ ba, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để bổ sung nguồn lực cho công tác này. Vụ CSDT sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đẩy mạnh vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo cho đồng bào hiểu rõ về chính sách, từ đó nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào quá trình triển khai thực hiện. Vụ CSDT sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cùng với sự đồng thuận của đồng bào dân tộc thiểu số, tôi tin tưởng rằng công tác hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tin nổi bật trang chủ
Ngoại hạng Anh: Aston Villa mất quyền tự quyết trong top 4 sau thất bại trước Brighton

Ngoại hạng Anh: Aston Villa mất quyền tự quyết trong top 4 sau thất bại trước Brighton

Thể thao - Hoàng Minh - 1 giờ trước
Vòng 36 Ngoại hạng Anh, Aston Villa đã gây bất ngờ khi để thua đội bóng đã hết mục tiêu tại mùa giải năm nay Brighton với tỷ số 0-1. Kết quả này khiến cuộc đua Top 4 Ngoại hạng Anh trở lên nóng hơn bao giờ hết.
Lễ hội Gầu Tào

Lễ hội Gầu Tào

Media - PV - 3 giờ trước
Lễ hội Gầu Tào là một trong những sinh hoạt văn hóa cổ truyền, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông vùng Tây Bắc. Hiện nay, ở nhiều địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lao Châu, Sơn La... đồng bào Mông đã duy trì việc tổ chức Lễ hội Gầu Tào vào dịp đầu Xuân mới và trở thành điểm nhấn du lịch với du khách trong và ngoài nước.
Ngoại hạng Anh: Liverpool níu giữ đua vô địch sau chiến thắng trước Tottenham

Ngoại hạng Anh: Liverpool níu giữ đua vô địch sau chiến thắng trước Tottenham

Thể thao - Giải trí - Hoàng Minh - 4 giờ trước
Vòng 36 Ngoại hạng Anh, Liverpool tiếp đón Tottenham trên sân nhà Anfield. Hai đội đã cống hiến cho người hâm mộ một trận đấu kịch tính với cơn mưa bàn thắng.
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Xã hội - Minh Nhật (t/h) - 7 giờ trước
Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.
SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

SHB giành cú đúp giải thưởng tại Digital CX Awards 2024

Kinh tế - Vũ Mừng - 7 giờ trước
SHB giành cú đúp giải thưởng “Trải nghiệm trên nền tảng số nổi bật nhất – hạng mục Nền tảng quản lý dòng tiền” và “Áp dụng công nghệ tốt nhất cho trải nghiệm số” tại Lễ trao giải Digital CX Awards 2024.
Vấn đề - Sự kiện (Tuần 18): “Báo động tình trạng tự ý dùng thuốc, dược liệu không rõ nguồn gốc để trị bệnh”

Vấn đề - Sự kiện (Tuần 18): “Báo động tình trạng tự ý dùng thuốc, dược liệu không rõ nguồn gốc để trị bệnh”

Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, nhiều bài thuốc gia truyền, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc Nam vì quan niệm những loại thuốc này lành tính. Tuy nhiên, thói quen tự dùng thuốc, dược liệu của người dân đã dẫn đến hậu quả tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng. Chương trình Vấn đề - Sự kiện của Báo Dân tộc và Phát triển tuần này sẽ bàn về “Báo động tình trạng tự ý dùng thuốc, dược liệu không rõ nguồn gốc để trị bệnh”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng của chính nghĩa và khát vọng hòa bình

Sự kiện - Bình luận - Tào Đạt - 7 giờ trước
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược đông xuân (1953 - 1954) của quân và dân ta. Trải qua "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" (thơ Tố Hữu), quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ, giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng này đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập.
Cao Bằng: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô

Cao Bằng: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô

Sắc màu 54 - Minh Anh - 7 giờ trước
Ngày 4/5, UBND huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô lần thứ 2 năm 2024, tại xã Đức Hạnh.
Bình Thuận: Truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho người DTTS

Bình Thuận: Truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho người DTTS

Sắc màu 54 - Nguyệt Anh - 7 giờ trước
Triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát cho 20 học viên là hội viên phụ nữ, nông dân dân tộc Cơ Ho trên địa bàn xã tại Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc.
Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Hội đồng Dân tộc, đã thẩm tra và cho ý kiến nhiều nội dung liên quan đến vùng DTTS

Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Hội đồng Dân tộc, đã thẩm tra và cho ý kiến nhiều nội dung liên quan đến vùng DTTS

Tin tức - Như Tâm - 7 giờ trước
Ngày 4/5, tại Tp. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 9 với nhiều nội dung như: thẩm tra Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Thẩm tra Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi); Thẩm tra Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Thẩm tra Luật Địa chất và khoáng sản; cho ý kiến Kế hoạch, đề cương giám sát chuyên đề của HĐDT về: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS, giai đoạn 2016 - 2023”; đồng thời, cung cấp thông tin về việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Thông tin về Nghị quyết 969 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội.
Cảnh báo mưa dông, lốc, mưa đá và gió giật mạnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Cảnh báo mưa dông, lốc, mưa đá và gió giật mạnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Môi trường sống - T.Hợp - 7 giờ trước
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 06/5, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 90mm.