Hiện tại, huyện đã xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở gồm 6 nhà văn hóa xã, 178/189 thôn, buôn, tổ dân phố có hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng và 53 bến nước. Toàn huyện có 47/70 thôn, buôn đồng bào DTTS có cồng chiêng, 560 nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng, 25 đội chiêng trẻ, 267 bộ chiêng. Ngoài ra, huyện đã tổ chức 8 lớp dạy đánh chiêng cho 120 thanh thiếu nhi; 2 lớp hát Aray cho 25 người; lớp kể kham cho 13 người; lớp tạc tượng cho 16 người.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, định kỳ 2 năm một lần, huyện tổ chức Ngày hội Làng văn hóa các dân tộc và các hoạt động văn hóa truyền thống khác như, khôi phục lễ hội, nghề dệt truyền thống... Hằng năm, tổ chức lễ hội truyền thống ở các buôn như, Lễ cúng mừng sức khỏe; Lễ cúng bến nước; Lễ ăn cơm mới, Lễ cầu mưa của các dân tộc Ê-đê, Xơ-đăng, Thái; Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng; Lễ hội mừng chiến thắng của đồng bào Jrai; Lễ hội đại đoàn kết và mừng chiến thắng của người Bru-Vân Kiều…
Sau vụ thu hoạch cuối năm, vào ngày đầu tiên của năm mới, đồng bào dân tộc Xơ-đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk lại tổ chức Lễ mừng lúa mới cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, buôn làng hạnh phúc.
Già làng A Măm chia sẻ: Lễ hội được tổ chức như một sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng người Xơ-đăng, cũng là lời nhắc nhở đến các thế hệ trẻ trong buôn về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.
Theo ông Trần Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Ea H’đing, buôn Kon H’rinh có 134 hộ đồng bào Xơ-đăng từ huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum di cư đến và sinh sống ổn định từ năm 1988. Lễ mừng lúa mới của người Xơ-đăng ở buôn Kon H’rinh được duy trì đều đặn suốt 25 năm qua, lễ thường tổ chức vào ngày đầu mỗi năm mới. Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo bà con các dân tộc các buôn làng gần xa và du khách đến chung vui, bởi ý nghĩa tốt đẹp gắn kết cộng đồng, cầu cho năm mới sức khỏe, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm.
Hằng năm, sau khi thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho một mùa rẫy mới, đồng bào Ê-đê ở buôn Sah, xã Ea Tul lại tổ chức Lễ cúng bến nước theo phong tục của dân tộc mình. Đây là nghi lễ quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, tuy nhiên trước đây, bến nước này rất ít người sử dụng do đường đi rất dốc, trời mưa trơn trượt.
Năm 2011, Huyện Đoàn Cư M’gar tu sửa, phục hồi bến nước trở lại đông vui tấp nập, Lễ cúng bến nước cũng bắt đầu được khôi phục. Lễ cúng bến nước của người Ê-đê được tổ chức, với mong muốn cầu thần linh phù hộ cho buôn làng có nguồn nước sạch, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn được mạnh khỏe, lúa, ngô đầy kho, nhà nhà no đủ.
Già làng Ama Phăng chia sẻ: Những năm gần đây, các cháu thanh thiếu niên trong buôn tham gia ngày Lễ cúng bến nước rất đông, đây cũng là điều đáng mừng để thế hệ trẻ gìn giữ phong tục cha ông.
Theo số liệu của Phòng Văn hóa huyện, từ năm 2007 đến nay, huyện Cư M’gar đã khôi phục 14 lễ hội. Sau khi được khôi phục, các lễ hội trên địa bàn huyện đã thực sự sống lại và lan tỏa sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các DTTS trong huyện, góp phần khôi phục môi trường văn hóa dân gian truyền thống và phát huy các giá trị di sản phi vật thể.
Lễ hội được tổ chức như một sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng người Xơ-đăng, cũng là lời nhắc nhở đến các thế hệ trẻ trong buôn về trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc.” (Già làng A Măm)
LÊ HƯỜNG