Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 27/1, đã có 72.818.633 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 25.823.590 ca bệnh đang điều trị, có 25.715.864 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 110.170 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 145.832 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (63.626 ca) và Tây Ban Nha (36.435 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.980 ca, sau đó là Anh (1.631 ca) và Brazil (1.206 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng nhanh trong 24 giờ qua, khi có thêm 165.228 ca nhiễm COVID-19 và 4.923 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 29.719.276 và 627.790 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Với 26.008.789 ca nhiễm và 435.387 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.771.740 và 757.022 ca nhiễm, cùng 150.273 và 19.403 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, hiện ở mức 29.392.489 ca, trong đó có 676.638 ca tử vong và 16.341.525 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 168.135 ca nhiễm và 6.516 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Anh, Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 3.756.931; 3.689.746 và 3.079.943 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 100.162 ca, sau khi có thêm 1.631 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (86.422 ca) và Pháp (74.106 ca).
Với 22.711.180 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 27/1, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 366.733 ca đã tử vong do COVID-19 và 21.153.258 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 10.690.279; 2.442.350 và 1.385.706 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 153.751; 25.344 và 57.560 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 99.608 ca nhiễm và 2.176 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 15.445.381 ca và 405.752 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 63.626 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 8.936.590 vào thời điểm hiện tại, và 1.206 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 218.918 ca.
Tính đến sáng 27/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.490.691 ca, trong đó có 87.077 ca tử vong và 2.960.635 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.423.578 ca nhiễm và 41.797 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 6.041 ca nhiễm và 680 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 467.493 và 200.662 ca nhiễm bệnh cùng 8.187 và 6.370 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 50.010 ca nhiễm (tăng 70 ca) và 1.076 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 3 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.780 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Thời gian gần đây, sự xuất hiện của biến thể virus Corona đã khiến cộng đồng quốc tế càng trở nên lo ngại. Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire ngày 26/1 khẳng định "đã phát hiện sự lây nhiễm ở địa phương, nơi những ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lây cho cộng đồng và gia đình". Bộ Y tế Philippines lưu ý thêm rằng 12 người ở Bontoc (một tỉnh miền núi phía Bắc) đã bị lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (hay còn được biết đến với tên gọi B.1.1.7) trên tổng số 17 ca bệnh nhiễm B.1.1.7 trong cả nước. Sự việc đã khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hủy bỏ kế hoạch cho phép nhóm đối tượng vị thành niên được phép ra khỏi nhà. Trước đó, ông Duterte có kế hoạch cho phép trẻ em từ 10 - 14 tuổi ở những khu vực có nguy cơ thấp ra ngoài bắt đầu từ ngày 1/2.
Cũng trong ngày 26/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các công ty sản xuất vaccine ngừa COVID-19 “phải giao hàng”, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm vì việc giao hàng chậm trễ. Bà von der Leyen khẳng định EU sẽ thiết lập một cơ chế minh bạch về xuất khẩu vaccine để bảo đảm các công ty tôn trọng các nghĩa vụ theo hợp đồng của họ với EU. Bà Von der Leyen cho biết việc mua vaccine của EC không chỉ dành cho riêng EU mà còn dành cho các nước nghèo hơn ngoài EU, những nước phải được cung cấp vaccine thông qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng./.