Nhiều vụ tai nạn từ du lịch tự phát
Mới đây (ngày 12/7), một nhóm 6 du khách tham gia nhảy và bơi lội tại thác Du Già (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang). Trong lúc nhảy thác, anh T.X.H. (24 tuổi, quê Phú Thọ) do không biết bơi nên bị đuối nước. Phát hiện sự việc, nhóm bạn và người dân đưa anh H. đến trạm y tế cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong lúc 18h cùng ngày.
Trước đó, cuối tháng 5/2023, dư luận xôn xao trước vụ việc học sinh và phụ huynh của một trường tư thục ở Tây Mỗ (TP. Hà Nội) trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định) đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Đoàn tham quan này do phụ huynh tự tổ chức theo kiểu tự phát, tự liên hệ với chủ tàu, thuyền vận chuyển tham quan, không thông báo đến Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Những vụ tai nạn xảy ra trong hành trình du lịch tự phát thời gian gần đây không còn là chuyện hi hữu. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra hơn chục vụ việc tai nạn du lịch dẫn đến mất tích hoặc tử vong. Đơn cử như vụ việc xảy ra hồi tháng 2/2023, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Lý Thánh Tông (TP. Hà Nội) bị đuối nước trong khi đi dã ngoại tại huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình). Tại tỉnh Lâm Đồng, trong chuyến du lịch tự khám phá ở Bidoup - Núi Bà, 1 du khách đã thiệt mạng. Trước đó, vào tháng 4/2023, tại hồ Trị An (Đồng Nai), 2 người đàn ông đi du lịch tự phát đã bị tử vong do đuối nước. Ngày 27/6, một nhóm bạn trẻ rủ nhau đến khám phá thác nước Edu (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Trong lúc tắm, 1 người trong nhóm bạn trẻ bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.
Thực tế cho thấy, tại những điểm du lịch tự phát, bên cạnh môi trường du lịch chưa được kiểm định chất lượng thì cơ sở hạ tầng, công trình phục vụ du lịch còn sơ khai, thiếu nhà vệ sinh, biển chỉ dẫn... Việc tổ chức du lịch tự phát đều thuộc dân địa phương, hoạt động theo thời vụ, theo lượng khách nên hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, không thể cung cấp đầy đủ những thông tin chính xác cũng như yếu tố rủi ro về thiên tai, khí hậu liên quan đến trải nghiệm. Hơn hết, để bảo đảm được an toàn cho du khách, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, các mô hình du lịch phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi kinh doanh các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Thực trạng hoạt động du lịch tự phát phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây khiến cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản lý. Với nhiều địa điểm du lịch mạo hiểm chưa được cấp phép rất dễ xảy ra nguy cơ rủi ro, tai nạn. Nhiều cơ sở du lịch đã đầu tư xây dựng các lều trại, ca nô, thuyền hay những dụng cụ dành cho du lịch khám phá mạo hiểm trong rừng sâu, các thác nước... nhưng không tuân thủ một điều kiện tiêu chuẩn cụ thể nào, do đó không lường trước được mức độ mất an toàn.
"Để hạn chế những nguy cơ tai nạn do hoạt động du lịch tự phát gây ra, các địa phương cần có những giải pháp, chế tài xử phạt cụ thể để giám sát, quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác những địa điểm tiềm ẩn rủi ro cao khi tham quan, du lịch như khu vực gần sông, hồ, biển”.
Nguyễn Quý Phương Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)
Bên cạnh đó, các điểm du lịch này không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý và giám sát thường xuyên; không có người làm công tác cứu hộ hay cung cấp trang thiết bị bảo đảm an toàn khi tham gia dịch vụ. Nhiều khu vực sông suối, thác nước không cắm các biển cảnh báo độ sâu. Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực tự đứng ra khai thác du lịch nên không có nhiều kiến thức, kỹ năng cảnh báo hay xử lý các tình huống rủi ro có thể xảy ra. Bởi vậy, sự cẩn trọng càng đặt lên hàng đầu với những người có sở thích du lịch tự khám phá, nhất là khi đến với những vùng rừng núi.
Để kiểm soát hoạt động du lịch tự phát, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị chính quyền các địa phương cần tăng cường tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là tại những khu, điểm du lịch tự phát, nơi có hồ, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ. Bên cạnh đó, kiên quyết không cho tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các loại hình vui chơi, giải trí mặt nước, trò chơi mạo hiểm khi chưa được cấp phép.
Đối với du khách khi tham gia du lịch tự phát, cần trang bị những kỹ năng nhất định, không nên đặt dịch vụ qua trung gian, trang mạng xã hội hay các chương trình Tour du lịch tự phát không uy tín. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường người mua cần sớm trình báo với cơ quan Công an để được hỗ trợ bảo về quyền lợi hợp pháp.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương đề xuất, để hạn chế những nguy cơ tai nạn do hoạt động du lịch tự phát gây ra, các địa phương cần có những giải pháp, chế tài xử phạt cụ thể để giám sát, quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác những địa điểm tiềm ẩn rủi ro cao khi tham quan, du lịch như khu vực gần sông, hồ, biển.