Đây là khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai do biến đổi khí hậu. Bởi vậy, nguồn lực từ dự án CRIEM sẽ tạo cú hích, đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các làng nghề truyền thống, du lịch, văn hóa của vùng đồng bào DTTS các tỉnh trong khu vực. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã lược ghi một số ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị xung quanh vấn đề này.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam:
Dự án “Xây dựng chính sách hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào DTTS cần phải được phê duyệt càng sớm càng tốt. Chính phủ Việt Nam cần làm rõ vai trò chỉ đạo, điều hành của UBDT trong Dự án. ADB cam kết sẽ cố gắng huy động thêm nhiều nguồn vốn, nguồn viện trợ không hoàn lại để thực hiện tốt cho Dự án, các tiểu dự án. Mục đích các tiểu dự án sẽ đem lại lợi ích cho các nhóm DTTS tại vùng thực hiện Dự án. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để Dự án sớm được triển khai, nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh kế cho đồng bào DTTS.
Ông Hoàng Văn Xô, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (UBDT):
Chúng tôi mong muốn, các nhà tài trợ, các đối tác của ADB cần tăng nguồn vốn tài trợ ưu đãi cho Dự án. Đề nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư sớm trình Chính phủ, đưa Dự án vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cùng đó, các tỉnh cần tích cực phối hợp, hỗ trợ, bố trí các chuyên gia để phối hợp với các đoàn công tác để khảo sát, tư vấn vùng đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi thiên tai, phù hợp tiêu chí của ADB và địa phương.
Ông Lindsay Saunders, Trưởng đoàn tư vấn CRIEM-TRTA:
ADB đang nghiên cứu các đề xuất tiểu Dự án và sẽ có sự sàng lọc để các tiểu Dự án phù hợp thực tế và tính thuyết phục cao. Chúng tôi sẽ xây dựng Dự án phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có sự kết nối đồng bào DTTS với vùng kinh tế trọng điểm. Phạm vi Dự án sẽ được thực hiện tại 2 huyện của mỗi tỉnh, bởi chúng tôi muốn lựa chọn tại những nơi có đông đồng bào DTTS, như vậy mức độ tâp trung và sự hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn; khẳng định rõ nét vai trò của người DTTS trong phạm vi Dự án. Kết quả đầu ra của Dự án sẽ là điều kiện về kinh tế, dịch vụ, giao thông, giúp đồng bào DTTS có cơ hội sống tốt hơn. Đây sẽ là Dự án mẫu làm tiền đề cho những Dự án lớn hơn. Tất cả các tiểu Dự án đều phải có nghiên cứu tiền khả thi, có những dữ liệu thuyết phục. Chúng tôi sẽ thẩm định các tiểu Dự án đại diện ở địa phương. Mong rằng, các địa phương hợp tác tốt để đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của ADB trong thực hiện Dự án.
Ông Đào Công Năng, Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch-Đầu tư):
Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã tổng hợp ý kiến từ nhiều nơi và đang tiến hành các quy trình để hoàn thiện tờ trình Thủ tướng, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Việc huy động nguồn tài trợ cho Dự án là yếu tố quan trọng. ADB nên cân nhắc việc huy động vốn như là cách thử nghiệm để chứng minh sự phối hợp hiệu quả giữa Chính phủ và các nhà tài trợ cho các dự án khác dành cho đồng bào DTTS, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Mong muốn ADB cùng phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xử lý các công việc của Dự án.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:
Việc đầu tư hạ tầng cho các địa phương là rất ý nghĩa, nó điều kiện cho đồng bào DTTS và miền núi phát triển lâu dài. Chúng tôi đề xuất Dự án nên được triển khai đồng loạt tại các tỉnh, không nên làm Dự án mẫu để phù hợp tiến độ nguồn vốn trung hạn của Chính phủ. Để Dự án được triển khai nhanh, UBDT và ADB đưa ra các tiêu chí phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các tỉnh tham gia Dự án. Theo đó, UBND tỉnh sẽ lựa chọn công trình phù hợp với tiêu chí trên cơ sở kiểm soát của ADB và UBDT. Nếu thống nhất được sẽ lập Dự án tiền khả thi để trình các bộ, ngành, Chính phủ cho kịp tiến độ.
Dự án CRIEM có tổng nguồn vốn khoảng 170 triệu USD. Trong đó: vốn vay của ADB và viện trợ không hoàn lại là 150 triệu USD (vay thông thường OCR 130 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại 20 triệu USD); vốn đối ứng là 20 triệu USD với 2 đầu ra là giao thông và nước. Dự án sẽ được thực hiện theo cơ chế phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương và được yêu cầu tham vấn rộng rãi tới người dân vùng hưởng lợi dựa trên bài học quản lý của các dự án ADB đã thực hiện thành công tại Việt Nam và các nước thành viên ADB.
MẠNH CƯỜNG - PHẠM OANH (lược ghi)