Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục "mốc son" 100 tỷ USD ngay trong năm 2023

PV - 21:21, 10/03/2023

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Kyungho Choo đã đồng chủ trì cuộc họp Đối thoại về hợp tác kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 2.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Kyungho Choo. Ảnh VGP/Quang Thương

Tham dự cuộc họp về phía Việt Nam có đại diện của Văn phòng Chính phủ; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên.

Về phía Hàn Quốc có đại diện của các Bộ: Kinh tế và Tài chính, An toàn thực phẩm và dược phẩm, Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Đất đai - Hạ tầng và Giao thông, Nông nghiệp, thực phẩm và phát triển nông thôn; Cơ quan Hải quan quốc gia; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, liên tục đạt nhiều thành tựu quan trọng. Với quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2009 và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào thang12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng và hàng đầu của nhau trong nhiều lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động tới khoa học - công nghệ, công nghiệp, hạ tầng - giao thông - xây dựng, năng lượng, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng,…

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 2.

Với các nỗ lực từ cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc, cuộc họp Đối thoại lần thứ hai đã được tổ chức sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Ảnh VGP/Quang Thương

Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế, tương đối đa dạng. Bao gồm cả hợp tác đa ngành và hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể, ở nhiều cấp khác nhau. Các cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và hàn Quốc hiện nay đang hoạt động thuận lợi, hiệu quả, linh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tế trong từng lĩnh vực hợp tác của hai nước.

Sáng kiến lập cơ chế Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc được hai bên đưa ra và quyết định cùng nhau thực hiện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Moon Che In vào tháng 3/2018 nhằm tạo ra cơ chế trao đổi cấp cao tương xứng với mối quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và Hàn Quốc về những vấn đề quan trọng, giúp mở rộng, tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích của cả hai phía trong các lĩnh vực kinh tế và khắc phục vướng mắc, hỗ trợ các cơ chế, khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương khác. Đối với phía Hàn Quốc, sáng kiến này nằm trong tổng thể chính sách Hướng Nam mới, trong đó có Việt Nam được đặt là trọng tâm.

Với các nỗ lực từ cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc, cuộc họp Đối thoại lần thứ hai đã được tổ chức sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 3.

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện. Ảnh VGP/

Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện

Phát biểu tại đối thoại, thay mặt Chính phủ, Nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Nhân dân và cộng đồng các doanh nghiệp Hàn Quốc đã sớm hỗ trợ vaccine, thiết bị y tế cho Việt Nam, góp phần quan trọng vào công tác phòng dịch COVID-19 và sớm đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc nhằm định hướng và mở rộng, tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trong bối cảnh hai nước Việt Nam, Hàn Quốc chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022, cuộc họp đối thoại lần này sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện trong bối cảnh tình hình mới.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 4.

Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc nhằm định hướng và mở rộng, tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ảnh VGP/Quang Thương

Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí số 1 về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam

Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ 22/12/1992), quan hệ hợp tác giữa hai nước đã đạt được những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Lòng tin chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố, hai nước đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.

Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một về đầu tư trực tiếp (lũy kế vốn đăng ký đầu tư đạt 81,3 tỷ USD); đứng thứ hai về hợp tác phát triển (3,75 tỷ USD), du lịch và lao động; đứng thứ ba về hợp tác thương mại (đạt 86,4 tỷ USD năm 2022).

Hai bên cũng có nhiều hoạt động hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực: Tài chính - ngân hàng, hạ tầng, giao thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, nông lâm ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa...

Cùng với đó, hai nước còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của khu vực và quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hiện nay, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố khó lường; cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có và là xu thế tất yếu buộc các quốc gia phải nắm bắt và hành động nếu không muốn tụt hậu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, "bối cảnh này đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt, tỉnh táo để có những bước đi, quyết định đúng đắn, giúp hai nền kinh tế theo kịp diễn biến chung của tình hình thế giới và khu vực".

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 5.

Bối cảnh này đòi hỏi phải sáng suốt, tỉnh táo để có những bước đi, quyết định đúng đắn, giúp hai nền kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc theo kịp diễn biến chung của tình hình thế giới và khu vực. Ảnh VGP/Quang Thương

Định hướng quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc vì sự thịnh vượng chung của 2 dân tộc

Về quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, nhiều thỏa thuận, giải pháp, chính sách đã có đến nay giữa hai bên đã đem lại kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế, để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng "trách nhiệm của chúng ta, các đại biểu tại cuộc đối thoại này là hết sức quan trọng".

"Các kết quả, thỏa thuận tại đối thoại ngày hôm nay có ý nghĩa rất to lớn trong việc định hướng quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn tới, làm cơ sở để hai bên cùng phối hợp, triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác kinh tế, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển bền vững", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho: Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. Ảnh VGP/Quang Thương

Phó Thủ tướng Choo Kyungho: Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho, chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Chính phủ Việt Nam đối với đoàn.

Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho nhấn mạnh, việc hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã tạo cơ sở vững chắc thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong có có hợp tác kinh tế.

Ông khẳng định, môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam đã thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc. Các doanh nghiệp ưu tú của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thời gian qua đều có sự đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, giúp Hàn Quốc giữ vững vị thế là quốc gia đầu tư số 1 vào Việt Nam.

Thời gian tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng hết sức hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường tại Việt Nam; phát triển năng lượng sạch; tài chính; nông nghiệp; y tế; kỹ thuật số và văn hóa…

Nhận định "hợp tác chuỗi cung ứng" là từ khóa quan trọng của hợp tác kinh tế hai nước, Phó Thủ tướng Choo Kyungho cho rằng: Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu với môi trường đầu tư thuận lợi và lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhờ đó, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đã xây dựng được chuỗi giá trị trong khu vực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang có nhiều biến động hiện nay, Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc cần đoàn kết hơn nữa, cải tổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu; điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn để hỗ trợ phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho một lần nữa khẳng định, Hàn Quốc mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển đổi lớn. Sự kết hợp giữa tiềm năng của Việt Nam và khoa học - công nghệ của Hàn Quốc sẽ giúp 2 nước phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho tin tưởng với tinh thần trao đổi thẳng thắn và xây dựng cuộc đối thoại ngày hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển hiệu quả của hai nước trong thời gian tới.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 7.

Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD trong năm 2023; hướng tới cột mốc 150 tỷ đô vào năm 2030. Ảnh VGP/Quang Thương

Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD trong năm 2023; hướng tới cột mốc 150 tỷ đô vào năm 2030

Tại đối thoại, các bộ ngành của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc đã trao đổi các chủ đề: hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc; năng lượng và xây dựng hạ tầng; hợp tác và phát triển; công nghệ thông tin truyền thông và đầu tư; lao động và y tế.

Về chủ đề hợp tác thương mại giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, các đại biểu đã đối thoại các nội dung: Tăng cường hợp tác về Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) và Chương trình Công tác Hợp tác kinh tế (ECWP); Xúc tiến thủ tục cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Hàn Quốc vào Việt Nam; Hợp tác ký kết Thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan về doanh nghiệp ưu tiên (AEO MRA); Thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu xuất xứ điện tử (EODES)….

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đang ngày càng phát triển, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt 86,4 tỷ USD.

Hiện nay, Việt Nam nhập siêu từ Hàn Quốc khoảng 37,8 tỷ USD năm 2022, tăng khoảng 10% so với năm 2021 (đối với Việt Nam, nhập siêu từ Hàn Quốc mang tính tích cực vì đây là nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất).

Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng quan hệ thương mại song phương với Hàn Quốc đạt 100 tỷ năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.

Về chủ đề năng lượng và xây dựng hạ tầng, hai bên đã đối thoại các nội dung: Hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư điện khí LNG tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác phát triển và đầu tư dự án trong lĩnh vực hạ tầng thân thiện với môi trường; xây dựng đô thị thông minh; xây dựng dự án sân bay Long Thành; phát triển đường sắt đô thị tại Việt Nam; triển khai dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội; phát triển khu công nghiệp sạch tại Hưng Yên;…

Về chủ đề hợp tác và phát triển, hai bên đã trao đổi về: Chính sách ODA Việt Nam và lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA Hàn Quốc; sử dụng hình thức hợp vốn EDCF-EDPF.

Về chủ đề công nghệ thông tin truyền thông và đầu tư, hai bên đã trao đổi các nội dung: Hợp tác khoa học công nghệ và ICT; thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa Việt Nam và Hàn Quốc; hợp tác về phân phối và logistic giữa Việt Nam, Hàn Quốc.

Về chủ đề lao động và y tế, hai bên đã trao đổi về việc tiến tới ký Bản ghi nhớ về chương trình EPS (Chương trình cấp phép lao động nước ngoài); hợp tác lao động trong lĩnh vực đóng tàu; Ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc tiếp nhận chuyên gia Hàn Quốc tại Việt Nam; Hiệp định Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Hàn Quốc; Bổ sung Hàn Quốc vào danh sách tham chiếu tại quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế tại các đơn vị công lập; Bổ sung Hàn Quốc vào danh sách tham chiếu tại quy định về về đăng ký thuốc.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 8.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho đã ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ hai. Ảnh VGP/Quang Thương

Đạt nhiều thỏa thuận quan trọng, mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Sau thời gian làm việc hiệu quả của đại biểu hai nước tại Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai, hai bên đã trao đổi nhiều thông tin, thống nhất được nhiều nội dung, đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Trong đó, hai bên đã tập trung vào năm nội dung chính bao gồm: Thương mại; Xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng; Hợp tác phát triển; Công nghệ thông tin - truyền thông, khởi nghiệp và đầu tư; y tế và lao động.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các sáng kiến, thỏa thuận hợp tác rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế mỗi bên, không chỉ giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc mà còn mở ra các cơ hội hợp tác kinh tế mới giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc. Nổi bật trong số đó là:

Thứ nhất, hai bên đã trao đổi, thống nhất cùng phối hợp để tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó có các giải pháp mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, đẩy mạnh xúc tiến hơn nữa việc xuất khẩu một số mặt hàng sang nhau trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

Thứ hai, các nội dung về hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng đã được hai bên trao đổi hết sức thẳng thắn, mang tính xây dựng. Nhiều giải pháp đã được thống nhất nhằm giải quyết vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp hai nước gặp phải khi đầu tư sang nhau. Hai bên đã nhất trí cùng nhau thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như điện khí LNG, khu công nghiệp phức hợp, khu đô thị thông minh...

Thứ ba, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác, thực hiện các dự án sử dụng hỗ trợ phát triển chính thức của Chính phủ Hàn Quốc dành cho Chính phủ Việt Nam thông qua nhiều cơ chế như Chương trình chia sẻ tri thức (KSP), Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (Quỹ EDCF) và Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế (Quỹ EDPF).

Thứ tư, nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông cũng như khởi nghiệp, Việt Nam và Hàn Quốc đã thảo luận và thống nhất tăng cường hợp tác.

Hai bên cũng trao đổi để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phân phối, logistic, ngân hàng, y tế. Bên cạnh đó, một số vấn đề trong hợp tác lao động đã được thống nhất phối hợp nhằm xác định các giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của cả hai bên để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của 2 nước.

Đánh giá rất cao kết quả đối thoại hai bên đã đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Hàn Quốc để cùng nhau xây dựng kế hoạch hành động và triển khai hiệu quả các thành quả của cuộc đối thoại lần này.

Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc: Quyết tâm chinh phục 'mốc son' 100 tỷ USD ngay trong năm 2023 - Ảnh 9.

Phó Thủ tướng Choo Kyungho: "Thật may mắn khi được đồng hành cùng những quốc gia anh em!". Ảnh VGP/Quang Thương

Việt Nam - Hàn Quốc: "Nghe tiếng đàn là hiểu lòng nhau!"

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho nhấn mạnh cuộc đối thoại lần này rất có ý nghĩa, thúc đẩy các điều kiện để đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho, hai nước Việt Nam, Hàn Quốc có nền văn hóa tương đồng, "có mối quan hệ tri âm, nghe tiếng đàn là hiểu lòng nhau". Chính nhờ sự tương đồng về văn hóa đã giúp 2 nước gần gũi, như anh em, cùng chia sẻ ngọt bùi.

Dẫn chứng, tại Việt Nam phim truyền hình Hàn Quốc thường xuyên được chiếu trên ti vi, còn tại Hàn Quốc ngày càng có nhiều người dân nói về đi du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Cho Kyungho bày tỏ: "Thật may mắn khi được đồng hành cùng những quốc gia anh em!"

Ông tin tưởng, sự hợp sức dựa trên cơ sở niềm tin vững chắc đã được tích lũy trong thời gian qua, sẽ mở ra cơ hội mới để hai nước cùng đi tới hòa bình thịnh vượng và người dân 2 nước sẽ cùng được thụ hưởng "quả ngọt" từ sự hợp tác này.

Kết thúc phiên đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Hàn Quốc Choo Kyungho đã ký Biên bản cuộc họp Đối thoại kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Phó Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc Kim Tae Soo ký Thỏa thuận vay dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh./.


Ý kiến độc giả
Mã bảo mật
Tin nổi bật trang chủ
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Tân HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và Đội tuyển U23 Việt Nam là ai?

Tân HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia và Đội tuyển U23 Việt Nam là ai?

Thể thao - Minh Thu - 19:13, 03/05/2024
Ngày 3/5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ông Kim Sang-sik (Quốc tịch Hàn Quốc) đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất đối với các nội dung liên quan đến vị trí Huấn luyện viên (HLV) trưởng Đội tuyển Nam và Đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam. Theo đó, hai bên thống nhất bản hợp đồng có thời hạn 2 năm (từ 1/5/2024 - 31/3/2026).
Bộ Y tế làm việc với Đồng Nai sau vụ gần 500 người nghi ngộ độc bánh mì

Bộ Y tế làm việc với Đồng Nai sau vụ gần 500 người nghi ngộ độc bánh mì

Thời sự - Minh Thu - 19:11, 03/05/2024
Ngày 3/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm dẫn đầu đã làm việc với Sở Y tế Đồng Nai nhằm nắm tình hình, hỗ trợ tỉnh xử lý vụ ngộ độc sau ăn bánh mì của tiệm bánh Cô Băng (do bà Nguyễn Thị Khánh Băng làm chủ) tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Mưa đá gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng tại Sơn La

Mưa đá gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng tại Sơn La

Tin tức - Minh Thu - 19:08, 03/05/2024
Thông tin từ ông Lò Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La ngày 3/5 cho biết, tối và đêm 2/5, trên địa bàn đã xuất hiện giông kèm mưa đá.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý tình trạng thao túng tổ chức tín dụng

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc xử lý tình trạng thao túng tổ chức tín dụng

Thời sự - Minh Nhật (T/h) - 14:18, 03/05/2024
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.
Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Tin tức - PV - 13:25, 03/05/2024
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.
Tin trong ngày - 2/5/2023

Tin trong ngày - 2/5/2023

Bản tin trong ngày của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 2/5, có những thông tin đáng chú ý sau: Đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất và nắng nóng. Khuyến khích người dân mặc đúng trang phục dân tộc . Cơn sốt tìm xác ve sầu lan rộng. Cùng các thông tin khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Du lịch - Tào Đạt - 10:31, 03/05/2024
“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…
Thực hiện tốt công tác bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng DTTS

Thực hiện tốt công tác bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng DTTS

Media - Ngọc Chí - 10:22, 03/05/2024
Những năm qua, Ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã quan tâm thực hiện tốt công tác bán trú cho học sinh vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, học sinh có điều kiện thuận lợi để đến trường học tập, nuôi dưỡng ước mơ cho tương lai. Đặc biệt, chất lượng học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Ngày hội văn hóa các dân tộc Gia Lai - Sức sống cội nguồn

Ngày hội văn hóa các dân tộc Gia Lai - Sức sống cội nguồn

Media - Ngọc Thu - 10:02, 03/05/2024
Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III vừa diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tp. Pleiku với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là sự kiện thường niên do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc, tạo cơ hội để người dân thắt chặt tinh thần đoàn kết, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống.
Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Ảo vọng xuất ngoại và sự thật trắng tay, ly tán của một gia đình ở Cư Jút

Xã hội - Minh Nhật (t/h) - 09:40, 03/05/2024
Không chỉ trắng tay, nhiều gia đình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS ở một số tỉnh Tây nguyên, trong đó có các hộ ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông còn bị ly tán vì tin theo lời xúi giục, lừa phỉnh, bán hết đất đai, nhà cửa, đi theo ảo vọng việc nhẹ lương cao ở nước ngoài.
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Kinh tế - T.Nhân-H.Trường - 09:36, 03/05/2024
Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.