Giá đất “nhảy vọt” khi có dự án
Nhiều tháng nay, giá nhà đất ở dọc đường Cổ Linh, trục đường Nguyễn Văn Linh, Hồng Tiến, phường Gia Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) biến động liên tục. Giới đầu cơ, cò đất đang đẩy giá cao ngất ngưởng ở những khu vực dự kiến cầu Trần Hưng Đạo giao cắt.
Hiện nay, nhiều nhóm bất động sản tích cực rao bán nhà đất, chào mời khách hàng ở khu vực đường Hồng Tiến, Cổ Linh với những lời có cánh như: “Cơ hội đầu tư sinh lời cao”, “vị trí tương lai đẹp nhất quận Long Biên vì ngay điểm giao với đường dẫn lên cầu Trần Hưng Đạo”, “nhà có vị trí khá đẹp nằm giữa 2 cây cầu Trần Hưng Đạo và Vĩnh Tuy, trục giao thông cực kỳ quan trọng nối điểm kinh tế nội thành với ngoại thành, cửa ngõ đi về các tỉnh Đông Bắc Bộ: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh... hỗ trợ vay ngân hàng 70%”...
Có những lô đất được chào bán hơn 200 triệu đồng/m2. Điển hình là một lô đất thổ cư 50 m2 được giới thiệu nằm ngay ngã ba mặt phố Hồng Tiến, gần cầu Chương Dương và dự án cầu Trần Hưng Đạo vừa được rao bán với giá 12 tỷ đồng (tương đương 240 triệu đồng/m2). Trong khi hồi cuối năm 2019, ô đất tương tự, cũng diện tích 50 m2 trên phố Hồng Tiến, cũng ở vị trí gần khu vực cầu Trần Hưng Đạo dự kiến xây dựng được rao bán với giá 8 tỷ đồng (tương đương hơn 160 triệu đồng/m2).
Tại đường Cổ Linh, căn nhà 3 tầng diện tích 100m2, mặt tiền 4,5m trong ngõ gần cầu Vĩnh Tuy và dự án cầu Trần Hưng Đạo đang được rao bán với giá 10 tỷ đồng. Hay một căn nhà 4 tầng 42 m2 trong ngõ Tư Đình, rộng 3m thì được rao bán với giá hơn 5 tỷ đồng.
Theo đó, hiện tại giá nhà đất ở mặt đường Cổ Linh, gần dự án cầu Trần Hưng Đạo chào bán có giá trung bình từ 150 – 250 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Còn giá nhà đất trong ngõ dao động trung bình từ 70 – 80 triệu đồng/m2; trong khi hồi tháng 5/2019, trong ngõ giá đất chỉ dao động 50 - 60 triệu đồng/m2.
Một số môi giới bất động sản cho biết các khu vực như đường Hồng Tiến, Cổ Linh hưởng lợi trực tiếp từ dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 và cầu Trần Hưng Đạo, kết nối giao thông vô cùng thuận lợi nên mặt bằng giá sẽ tăng mạnh.
“Tạo sóng” để nâng giá lên “đỉnh”
Theo các chuyên gia, chuyện các dự án làm cầu, làm đường mở đến đâu, bất động sản sẽ tăng tới đó là thực trạng nhiều năm nay và nhiều nhà đầu tư nhờ đón sóng từ những chính sách xây dựng hạ tầng đã trúng đậm. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi ngược lại, hiện có nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành nhưng không tạo giá trị cao như nhà đầu tư mong đợi.
Bởi vậy, các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư ăn theo quy hoạch dự án cầu Trần Hưng Đạo vì thị trường bất động sản khu vực Long Biên đang bị giới đầu cơ “tạo sóng”, nâng giá lên “đỉnh”.
Đối với dự án cầu Trần Hưng Đạo, một số chuyên gia bất động sản cho rằng cầu có ý nghĩa lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội, được đặc biệt kỳ vọng góp phần giúp giãn dân khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật nhằm bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ.
Tuy nhiên, với thị trường bất động sản thì cầu sẽ không tác động quá nhiều bởi thực tế khu vực Long Biên nhìn chung hạ tầng đã hoàn thiện và giá bất động sản cũng đang ở ngưỡng cao so với mặt bằng chung. Bởi cách đây vài năm, ngay khi có quy hoạch 10 cây cầu vượt sông Hồng (bao gồm cả cầu Trần Hưng Đạo) thì thị trường bất động sản khu vực Long Biên cũng đã bị giới đầu cơ “tạo sóng” để đẩy giá.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cảnh báo, ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền, nhà đầu tư cần phải hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng “sốt đất”. Khi “sốt đất” tức là “giá ảo”, “giá bong bóng” nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường, tránh khả năng tăng nóng cục bộ giá bất động sản trong các tháng còn lại của năm khi dịch bệnh được kiểm soát và dòng vốn tăng. Đồng thời, không để xảy ra chuyển nhượng trái pháp luật, sai mục đích; xử nghiêm đối tượng thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường... Không để tăng nóng cục bộ giá bất động sản khi dịch được kiểm soát.