Trên thực tế, chương trình phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng đã được triển khai trong môi trường học đường. Trong đó có giải pháp là dạy bơi, xây bể bơi cho các em. Nhưng có vô vàn cái khó được chỉ ra, như có nơi thiếu quỹ đất xây bể bơi; trường học có quỹ đất để xây bể bơi thì lại không có kinh phí vận hành, không có giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp… Thành thử việc dạy và học bơi trong nhà trường phổ thông lâu nay mới chỉ là một phong trào mạnh đâu nấy làm, chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện kinh tế khó khăn thì việc dạy bơi vẫn là một “môn học” xa vời.
Đáng phải bàn là, phòng chống đuối nước không chỉ có việc dạy bơi lội. Minh chứng từ những vụ đuối nước của cả người lớn và trẻ em cho thấy, không hẳn biết bơi thì không bị chết đuối; hay do nước lớn, sông sâu, sóng cả… còn có nguyên nhân rất quan trọng là, hầu hết nạn nhân bị đuối nước rơi vào trạng thái hoảng loạn tinh thần. Nếu có một đám đông, người nọ bấu víu lấy người kia khiến cho sự hoảng loạn tập thể gia tăng gấp bội, sẽ gây ra tình trạng đuối nước tập thể.
Từ những thực tế này, yêu cầu cấp bách hiện nay, là phải đẩy mạnh giáo dục thể chất, dạy các kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền rộng rãi, liên tục về các kỹ năng phòng chống đuối nước; đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa-nơi có nhiều sông suối ao hồ, hoang vu hẻo lánh tiềm ẩn nhiều tai nạn đuối nước.
THIÊN ĐỨC